Nghị định 75 quy định hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ dân tộc Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc vùng miền núi, có thực hiện hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) để trồng rừng, chăn nuôi, với lãi suất 1,2%/năm; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần lãi suất tiền vay còn lại. Đối với hộ gia đình vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, Nghị định 75 quy định căn cứ vào thiết kế, dự toán trồng rừng, hộ gia đình được vay không có tài sản đảm bảo đối với phần giá trị đầu tư còn lại tại ngân hàng với hạn mức tối đa 15 triệu đồng/ha. Thời hạn cho vay tính từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng, nhưng không quá 20 năm.
Từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 75, các hộ sống gần rừng đầu tư nuôi bò cho thu nhập ổn định.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNN, cho biết: Nhằm hỗ trợ các hộ gia đình tham gia nhận khoán rừng được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định 75, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh khẩn trương rà soát các đối tượng tham gia nhận khoán rừng trên lâm phần quản lý thuộc diện được vay vốn. Hiện nay, các đơn vị chủ rừng đã hợp đồng khoán bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình với số lượng 939 hộ. Trên cơ sở đó, năm 2017, Ngân hàng CSXH tỉnh cho 100 hộ vay tổng số tiền hơn 4,8 tỷ đồng; trong đó, huyện Ninh Hải 19 hộ/950 triệu đồng, Ninh Sơn 27 hộ/1,23 tỷ đồng, Thuận Bắc 44 hộ/2,18 tỷ đồng, Thuận Nam 10 hộ/500 triệu đồng. Theo kế hoạch năm 2019, ngân hàng tiếp tục xem xét cho các hộ vay 5 tỷ đồng để mở rộng sản xuất.
Sau khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi, ngành NN&PTNT đã hướng dẫn triển khai các mô hình sinh kế gắn với hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo chuyển biến rõ nét trong nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các cộng đồng, hộ gia đình đầu tư chăn nuôi gia súc với số lượng vài trăm con ban đầu đến nay tăng lên 1.156 con; trong đó, bò 897 con, heo 62 con, dê 204 con, cừu 11 con. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng quan tâm hỗ trợ các hộ triển khai thực hiện mô hình nông lâm kết hợp, tăng cường trồng cây ăn quả có giá trị cao trên diện tích trồng rừng phòng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để các các hộ sống gần rừng canh tác hợp pháp, mang lại năng suất và thu nhập cao. Tính đến đầu năm 2019, các hộ trồng rừng phòng hộ xen cây ăn quả đạt diện tích hơn 350 ha, với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: điều, bưởi da xanh, mãng cầu…
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 75, đã tạo cơ hội cho nhiều hộ đồng bào vùng cao triển khai các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập. Đời sống của các hộ sống gần rừng, nhận rừng khoán quản đã được cải thiện đáng kể, một số hộ có kế hoạch trả vốn vay ngân hàng đúng theo kỳ hạn, có tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy vậy, nhận thức của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa có nghị lực quyết tâm vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Để tiếp tục thực hiện Nghị định 75 có hiệu quả, đáp ứng cùng một lúc đạt 2 mục tiêu là vừa tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, vừa nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, ngành NN&PTNT đưa ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thường xuyên cập nhật các phương pháp mới, tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm từ những cá nhân, điển hình xuất sắc, phổ biến rộng rãi cho nhiều hộ áp dụng. Các đơn vị chủ rừng tiếp tục rà soát các hộ đang tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Anh Tùng