Trao đổi với chúng tôi về công tác giảm nghèo ở địa phương, đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đúc kết kinh nghiệm từ thực tế, Đảng bộ xã nhận ra rằng, để thúc đẩy sản xuất phát triển phải chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng khu vực. Trong nỗ lực giảm nghèo nhanh và bền vững, Phước Hải tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, thực hiện nhóm chính sách hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Nông dân Phước Hải ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp.
Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh nhận ủy thác vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo; vay sản suất, kinh doanh vùng khó khăn, với số tiền trên 51 tỷ đồng. Cùng với đó, các hộ nghèo, cận nghèo còn được hướng dẫn đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Xã cũng đã chủ động thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, bước đầu mang lại hiệu quả, như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” với diện tích 96 ha; mô hình sản xuất rau an toàn với hơn 220 ha; mô hình thí điểm trồng măng tây xanh diện tích 12,7 ha; mô hình nuôi dê, cừu sinh sản, bò vỗ béo thu hút được nhiều nông hộ tham gia. Ngoài ra, xã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để bê tông các tuyến đường nội nông, nâng cấp, sửa chữa trạm y tế, trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao dân trí, lưu thông, trao đổi hàng hóa.
Để thực hiện ngày càng có hiệu quả công tác giảm nghèo, hàng năm xã tổ chức rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân, đề ra biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đơn cử, hộ gia đình ông Từ Văn Dũng, ở thôn Thành Tín, với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế, đến cuối năm 2017, gia đình đã đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ông Dũng, chia sẻ: Gia đình tôi trước đây gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, năm 2016, được hỗ trợ vay vốn ưu đãi 15 triệu đồng để tập trung nuôi bò vỗ béo. Nhờ tham gia lớp học nghề về nuôi và phòng bệnh cho bò do địa phương tổ chức và học hỏi thêm kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi khác, đàn bò của tôi phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.
Qua kiểm tra, rà soát, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 7,43%, giảm 3,2% so với cuối năm 2017. Để giảm nghèo thực sự bền vững, xã Phước Hải tiếp tục huy động các nguồn lực về vốn, lao động, thực hiện tích cực và đồng bộ các chương trình phát triển nông nghiệp, thủy lợi, giao thông nông thôn gắn với các chương trình hỗ trợ, dịch vụ cho người nghèo. Trong đó, quan tâm đến các chính sách ưu đãi đối với những hộ vừa thoát nghèo, như tiếp tục hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%.
Kim Thanh