Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam: Chung tay bảo vệ môi trường biển

Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2019 được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, biển đảo cho cộng đồng; tạo điều kiện và quyền hợp pháp cho mọi người dân tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm và đóng góp chung vào những nỗ lực quốc gia về bảo vệ môi trường, biển đảo bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Chung tay bảo vệ môi trường biển

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định, đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP và 55- 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc khai thác hiệu quả các tiềm năng kinh tế biển, một việc hết sức quan trọng là phải bảo vệ tốt môi trường biển.

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường biển như: Luật Bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ môi trường biển (các điều từ 55 đến 58); Nghị định số 25/2009/NÐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Luật Biển Việt Nam…

Thanh niên Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chung tay bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Phạm Lâm

Tuy nhiên, biển Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư. Bên cạnh đó, ngành du lịch biển cũng là tác nhân chính gây ô nhiễm bãi biển trong cả nước. Ngoài ra, thực trạng khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và hải đảo chưa thật hiệu quả, thiếu bền vững (như sử dụng mìn để khai thác hải sản làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản) gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển.

Ô nhiễm môi trường biển gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác thải nhựa. Bên cạnh đó, môi trường biển bị ô nhiễm có thể dẫn tới suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình là hệ sinh thái san hô.

Để bảo vệ môi trường biển, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, một số địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, bước đầu thu được kết quả tích cực. Vì vậy, phong trào làm sạch biển cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân.

Để tăng cường hiệu quả truyền thông, tạo tính lan tỏa nhanh trên diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từ ngày 31-5-2019 lễ phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2019 và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), Ngày Đại dương thế giới (8-6) sẽ được tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu.

Theo đó, các hoạt động hưởng ứng chú trọng vào hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; Phát động phong trào bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tích cực triển khai chương trình cụ thể về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo.

Ngoài ra, căn cứ điều kiện thực tế, các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường, khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước, làm sạch bãi biển, khu du lịch biển...

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề có liên quan tới biển, đảo Việt Nam, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển, hải đảo và đại dương hiện nay.

Tiềm năng và lợi thế

Với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 10 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.

Xét về vị thế, vùng biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng, là con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và hiện nay là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới.

Vùng biển Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt từ các quốc gia có mùa đông lạnh tới nghỉ dưỡng, tắm biển… Các bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam với khoảng 125 bãi tắm đẹp cả lớn và nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển được xếp hạng trên thế giới, như bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và vịnh Xuân Đài (Phú Yên). Đây là một lợi thế để du lịch biển Việt Nam phát triển.

Với vị trí thuận lợi cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, rất thuận lợi làm cảng, không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển rất thuận lợi để phát triển các khu kinh tế. Không gian mặt nước và các bãi bồi ven biển cũng rất thuận lợi để nuôi trồng hải sản, đặc biệt là các hải sản có giá trị kinh tế cao.

Thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, những năm qua, các ngành kinh tế biển đã từng bước phát triển, trong đó một số ngành chủ chốt: khai thác, chế biến dầu khí, đóng tàu, vận tải và du lịch biển, khai thác thuỷ sản và tài nguyên biển… phát triển với tốc độ nhanh.

Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam hiện chiếm khoảng 50% GDP cả nước, đồng thời tạo ra việc làm ổn định cho hàng triệu người. Dầu khí khai thác tăng từng năm, sản lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu liên tục gia tăng với tốc độ bình quân đạt khoảng 15%/năm với khoảng trên 10 triệu tấn dầu, hàng tỷ mét khối khí. Đánh bắt hải sản ven bờ và xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản với sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm với hàng triệu tấn hải sản và hàng triệu phương tiện đánh bắt các loại… Nuôi trồng hải sản tăng nhanh cả diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng (sản lượng nuôi trồng năm 2015 đạt trên 3,5 triệu tấn; năm 2016 đạt trên 3,6 triệu tấn; năm 2017 đạt hơn 3,8 triệu tấn; năm 2018 đạt khoảng 4,3 triệu tấn), góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển. Vận tải biển, bình quân tăng gần 10%/năm về số lượng tàu và trên 10%/năm về trọng tải. Hệ thống cảng biển bao gồm trên 100 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng. Khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển tăng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt vào khoảng 17%/năm.

Với vị trí địa lý cùng những tiềm năng, thế mạnh đó, vùng biển nước ta có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai.

Theo TTXVN