Chỉ tính trong năm 2017, Chi cục Thủy sản đã thực hiện trên 70 chuyến tuần tra, kiểm soát và tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển nội tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra trên 896 lượt người và phương tiện hoạt động khai thác, phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm đối với 190 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 166,75 triệu đồng, thu hồi 25 giấy phép khai thác hải sản nghề vây rút mùng. Đồng thời, Chi cục đã thanh tra, kiểm tra, xử phạt 23 trường hợp tàu cá hành nghề giã cào bay (nghề cấm khai thác) tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, với số tiền gần 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ 4 vụ/5 đối tượng về tàng trữ và sử dụng chất nổ để khai thác hải sản trái phép trên địa bàn tỉnh, xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ/3 đối tượng, với số tiền 30,5 triệu đồng, khởi tố 2 vụ/2 đối tượng, tịch thu tang vật gồm 1 khẩu súng cồn tự chế, 83 kíp nổ, 3m dây cháy chậm và 10,35 kg thuốc nổ. Ngoài ra, Công an tỉnh bắt giữ 1 vụ/5 đối tượng về tội vận chuyển trái phép vật liệu nổ, tịch thu tiêu hủy 530kg chất nổ, 12 kíp nổ và 0,85m dây cháy chậm. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, Chi cục đã thực hiện 12 chuyến/48 ngày thanh tra, kiểm tra trên biển, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 15 trường hợp vi phạm đã thu nộp vào ngân sách nhà nước 16,5 triệu đồng. Các sai phạm nổi lên chủ yếu đó là các tàu cá hành nghề giã cào bay, nghề vây rút mùng vẫn sử dụng chất nổ để khai thác hải sản trái phép mặc dù đơn vị đã tuyên truyền, vận động, thậm chí có chủ phương tiện còn ký cam kết không vi phạm hẳn hoi!
Tổ tuần tra, kiểm soát trên biển lập biên bản xử lý tàu cá vi phạm.
Để hiểu rõ hơn về hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, vào cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã có dịp cùng đi với Tổ tuần tra, kiểm soát liên ngành trên tàu Kiểm ngư VN-94113-KN tại vùng biển giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận; tham gia cùng với lực lượng kiểm ngư còn có Bộ đội Biên phòng, Hội Nông dân 2 xã Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam). Theo ghi nhận của chúng tôi, tại vùng biển Tổ tuần tra làm nhiệm vụ không chỉ là khu vực hành nghề của các tàu cá trong tỉnh mà còn có nhiều tàu cá của các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa tham gia đánh bắt. Khi lực lượng chức năng phát hiệu lệnh kiểm tra một số tàu cá có dấu hiệu vi phạm thì đa số các tàu này không những không hợp tác cùng Tổ tuần tra mà còn có hành vi chống đối, nhổ neo bỏ chạy. Tiến hành kiểm tra tàu cá mang số hiệu BĐ-94594 TS, hành nghề lưới vây ngày, có công suất 335 CV do ngư dân Huỳnh Binh ở tỉnh Bình Định làm thuyền trưởng, Tổ tuần tra phát hiện tàu đang hoạt động trên biển nhưng thiếu một số thiết bị an toàn cho người và tàu cá, không có giấy chứng nhận của ngành chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm, không ghi nhật ký hành trình trong quá trình khai thác hải sản... Được tổ tuần tra nhắc nhở, lập biên bản xử lý, chủ tàu cá cam kết sẽ thực hiện nghiêm theo quy định.
Ông Nguyễn Thiên An, Thuyền phó phụ trách, Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát trên biển cho biết: Đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển. Nhìn chung, hầu hết các ngư dân tương đối chấp hành tốt các quy định pháp luật trong quá trình khai thác nhưng vẫn còn một bộ phận ngư dân không chấp hành, khi không có mặt các lực lượng chức năng tuần tra trên biển thì họ sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, khai thác gần bờ bằng nghề giã cào bay, sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản trái phép, gây nguy hại đến môi trường và nguồn lợi thủy sản, gây bức xúc cho những chủ tàu cá chấp hành tốt các quy định.
Khó khăn mà lực lượng chức năng phải đối mặt khi thực thi công vụ đó là sự chống đối quyết liệt của các đối tượng vi phạm; đồng thời, việc bắt quả tang ngư dân sử dụng chất nổ để khai thác hải sản vô cùng khó, trong khi đó, việc ngư dân phi tang vô cùng dễ và rất tinh vi. Không chỉ có vậy, các tàu kiểm ngư của Chi cục Thủy sản đã được trang bị cách đây 20 năm, công suất chỉ từ 155-385 CV/chiếc, tốc độ tàu chạy khoảng 6 hải lý/giờ nhưng hiện đã hư hỏng và xuống cấp nặng, trong khi tàu cá của ngư dân hiện nay có những tàu công suất lên đến 1.000 CV với tốc độ tàu chạy trên 12 hải lý/giờ nên rất khó khăn trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm xảy ra trên biển và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi làm nhiệm vụ, nhất là công tác tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão.
Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm: Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với lực lượng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, UBND các xã, phường ven biển tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển. Mặt khác, tập trung tuyên truyền trong ngư dân hoạt động khai thác hải sản đúng quy định pháp luật, đồng thời kiên quyết xử lý đối với các tàu cá hành nghề vây rút mùng sử dụng chất nổ trái phép để khai thác thủy sản.
Cuộc chiến chống vi phạm trong khai thác hải sản trên biển vẫn còn nhiều khó khăn và rất cần sự quan tâm của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc trang bị phương tiện đủ mạnh để đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trên biển. Điều quan trọng nữa là rất cần sự đồng thuận của ngư dân trong việc đấu tranh với các hoạt động khai thác trái phép, vừa làm suy kiệt nguồn lợi biển, vừa tác động xấu đến môi trường.
Mai Dũng