Chọn đại biểu của nhân dân!

Cần căn cứ các tiêu chuẩn luật đã quy định kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để lựa chọn người ra ứng cử phải thực sự, đúng nghĩa là đại biểu của nhân dân.

Theo “lộ trình” hiện nay các địa phương và một số cơ quan, đơn vị được "phân bổ" đại biểu đã và đang tập trung chọn và giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016. Vấn đề đặt ra là lựa chọn cử người của địa phương, cơ quan, đơn vị… ra ứng cử như thế nào?

Tại Điều 3, Luật Bầu cử đại biểu HĐND đã nêu rõ về tiêu chuẩn của đại biểu HĐND. Một trong những tiêu chuẩn đó là ngoài phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong mọi hoạt động thì yêu cầu không kém phần quan trọng đó là phải có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế-xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Ngoài ra, còn phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. Mặt khác, người giới thiệu tham gia ứng cử còn phải tính đến yếu tố: có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND nếu như trúng cử.

Liên hệ lại thực tế trong thời gian qua cho thấy đa phần các đại biểu HĐND các cấp đều thực hiện tốt trách nhiệm “dân cử”, có nhiều đóng góp trong việc hoạch định các chính sách quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở từng địa phương. Nhiều đại biểu trở thành “trung tâm” đoàn kết, động viên nhân dân địa phương và nơi cư trú thực hiện tốt các chính sách, pháp luật; được nhân dân tin tưởng “gửi gắm” những tâm tư, kể cả những vấn đề bức xúc ở địa phương để thông qua đại biểu có những đề xuất với chính quyền, các ngành liên quan có hướng giải quyết cho nhân dân một cách thỏa đáng. Qua đó, tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước…

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vị đại biểu HĐND làm chưa tròn chức trách, nhất là trong việc tham gia đóng góp trí tuệ trước những vấn đề bức bách của địa phương như về phát triển kinh tế-xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương…. Có đại biểu “lắng nghe” nhân dân phản ánh nhưng thiếu đề xuất hướng giải quyết; và đây đó vẫn có những đại biểu sau khi trúng cử suốt cả nhiệm kỳ chỉ phát biểu đôi lần trước diễn đàn kỳ họp…

Vậy nên, việc lựa chọn cử người ra ứng cử đại biểu HĐND các cấp là rất quan trọng, phải vừa bảo đảm dân chủ nhưng cần phải cân nhắc kỹ về năng lực chuyên môn, năng lực tham gia làm đại biểu trong đó cần lưu ý cả khả năng giao tiếp… Hay nói khác hơn là cần căn cứ các tiêu chuẩn luật đã quy định kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để lựa chọn người ra ứng cử phải thực sự, đúng nghĩa là đại biểu của nhân dân.