Tiềm năng khai thác du lịch
Đối với nhiều du khách, vẻ đẹp của Phước Bình được bắt đầu ngay trên chuyến hành trình đi trên Tỉnh lộ 707. Cung đường uốn lượn với những đồi dốc cheo leo chạy dọc bìa rừng như ôm trọn VQG vào lòng. Đây là cơ hội để du khách ngắm nhìn kỹ lưỡng hơn sự thay đổi của hệ sinh thái rừng nguyên sinh từ độ cao 300 m đến 2.000m so với mực nước biển. Những tán cây rừng vươn mình đón nắng hòa lẫn vào màu xanh ngọc của dòng sông Tô Hạp như vẽ nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Với nhiệt độ trung bình quanh năm khoảng 24 độ C, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, với 14 kiểu thảm thực vật rừng, trên 1.320 loài thực vật bậc cao thuộc 584 chi. VQG có 75 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 58 loài ghi trong sách đỏ thế giới và có hệ thống sông, suối, ghềnh thác đẹp mắt nên đây không những là điểm đến lý tưởng của nhiều đoàn khoa học đến khảo sát thực địa, nghiên cứu mà còn cho những du khách đam mê trải nghiệm khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Điều đặc biệt, những điểm du lịch, tuyến trải nghiệm tại Phước Bình như hệ thống suối thác Đa Nhông-Đá Bàn, suối Đa Mây-Núi Gia Rích được địa phương đưa vào khai thác du lịch một cách phù hợp, giữ lại nét tự nhiên, hoang sơ nhất cho VQG, nhờ đó mà du khách có những trải nghiệm thú vị khi tự mình băng qua những tán cây đại thụ vừa lắng nghe âm thanh của muôn thú.
Người dân địa phương trình diễn nhạc cụ Mã La phục vụ du khách.
Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử với bẫy đá Pi Năng Tắc huyền thoại, Phước Bình còn lưu giữ những giá trị văn hóa nổi bật, nơi sinh sống và giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em Raglai, ChuRu. Người dân ở đây coi cây đàn Chapi, Mã La, điệu hát sử thi là dấu ấn riêng của dân tộc nên đặc biệt bảo tồn, đưa âm nhạc truyền thống đến gần gũi hơn với thế hệ con cháu. Vì vậy, du khách khi đến Phước Bình không khó bắt gặp những điệu đàn, tiếng hát ngay trong sinh hoạt thường ngày. Không dừng lại ở đó, Phước Bình còn có những vườn bưởi, chuối, mít, sầu riêng được bà con sẵn lòng đón chào du khách đến tham quan và thưởng thức vị ngọt cây trái địa phương. Đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình chia sẻ: Du lịch sinh thái- cộng đồng là hướng phát triển du lịch tại địa phương, do đó, địa phương xác định công tác bảo vệ rừng, duy trì hệ sinh thái rừng nguyên sinh và bảo tồn văn hóa truyền thống độc đáo của người Raglai và Churu là yếu tố quan trọng để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt so với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Cần có sự đầu tư bài bản
Tiềm năng dồi dào là vậy nhưng nhiều năm qua, việc đầu tư và khai thác du lịch ở Phước Bình vẫn chưa có bước tiến đột phá, người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ du lịch địa phương. Theo số liệu của VQG, trung bình mỗi năm, Phước Bình đón từ 2.000-2.500 du khách. Hầu hết các đoàn khách đến đây thường thuộc nhóm bạn trẻ, gia đình, ngoài nhu cầu đến tham quan, trải nghiệm thì du khách thường gắn liền với các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng qua đêm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại địa phương, các điểm ăn uống vẫn còn khá hạn chế, chưa khai thác tối đa ẩm thực truyền thống của người dân địa phương với các món ăn đặc trưng như: cơm lam, lá bép, rượu chuối, thịt heo đen.
Bên cạnh đó, ngoài cơ sở lưu trú tại VQG với 15 phòng, du khách đến Phước Bình chưa có sự lựa chọn nào khác khi lưu trú qua đêm tại đây. Trong khi đó, nền văn hóa bản địa tại địa phương vô cùng độc đáo, đây chính là điểm mạnh thu hút du khách. Khi chọn loại hình du lịch sinh thái-cộng đồng, du khách thường có xu hướng ở lại tại nhà người dân để tìm hiểu rõ hơn về đời sống sản xuất, tinh thần và các giá trị văn hóa truyền thống của người địa phương. Thế nhưng đến nay, dịch vụ lưu trú homestay vẫn chưa được triển khai, dù người dân đã được các cấp, ngành, địa phương tập huấn về kỹ năng cơ bản trong việc vận hành loại hình dịch vụ homestay. Nếu trong tương lai, người dân và chính quyền địa phương chung tay phối hợp, có sự đầu tư bài bản trong xây dựng các điểm lưu trú đậm chất văn hóa bản địa không những đem nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Đồng chí Pi Năng Thị Cô, Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết: Hiện nay, xã Phước Bình đã trình kế hoạch hỗ trợ xây dựng 15 homestay cho người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, rất mong được các cấp, ngành sớm phê duyệt, đưa vào thực hiện để tạo “bàn đạp” cho du lịch địa phương có bước tiến hơn trong thời gian tới.
Có thể nói, để du lịch Phước Bình có sự chuyển mình mạnh mẽ, xứng tầm với lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cùng nền văn hóa bản địa đặc sắc rất cần sự đầu tư bài bản từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương và sự chung tay từ người dân. Trong chuyến trải nghiệm VQG Phước Bình trong Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Xác định du lịch là một trong những thế mạnh đưa tỉnh nhà phát triển, do đó những năm qua từ phía tỉnh rất quan tâm đến đầu tư phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có du lịch sinh thái-cộng đồng mà Phước Bình đang có. Ngoài những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh du lịch ở địa phương, góp phần tạo sinh kế ổn định cho bà con địa phương, đồng thời đưa Phước Bình phát triển hơn nữa trong tương lai.
Lê Thi