Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, lượng nước ở 21 hồ chứa trên toàn tỉnh tính đến đầu tháng 5 còn khoảng 130 triệu m3, đạt hơn 60% dung tích thiết kế. Mặc dù cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 8%, nhưng lượng nước ở các hồ không đồng đều dẫn đến thiếu nước cục bộ. Hiện nước ở hồ Phước Nhơn (xã Phước Trung), hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải), hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải) xuống thấp không đủ cho sản xuất vụ hè - thu, một số hộ ở thôn Mỹ Tường đã phải khai thác nước ngầm để sản xuất hành tím và các loại rau màu. Trước nguy cơ hạn hán có thể xảy ra, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước vụ hè - thu năm 2019.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động điều tiết nước các hồ chứa nước
để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ phục vụ sản xuất vụ hè - thu. Ảnh: Hữu Phương
Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân nắm bắt tình hình và chủ động ứng phó với nắng hạn, vận hành điều tiết tưới luân phiên đã thực hiện mang tích chất thường xuyên, thì điểm mới trong vụ này là Công ty cương quyết không cung cấp nước tưới đối với diện tích gieo trồng nằm ngoài kế hoạch. Để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ, Công ty thực hiện cấp nước bổ sung từ hồ Sông Biêu và CK7 để tiếp nước cho khu tưới hồ Tân Giang và điều tiết nguồn nước từ hồ Cho Mo, Sông Sắt, Trà Co, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để bổ sung nguồn nước cho đập Nha Trinh - Lâm Cấm trong trường hợp lưu lượng nước trung bình trong ngày của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thấp hơn nhu cầu vùng hạ lưu.
Ở những vùng không tiếp nhận được nguồn nước điều tiết từ hệ thống Đa Nhim, hạn hán xảy ra cục bộ, các địa phương đề ra biện pháp chủ động phòng tránh khô hạn thiếu nước cho sản xuất, đặc biệt là chú trọng vận động cao ý thức của người dân, nhất là bà con vùng ven biển sử dụng nước tiết kiệm và điều tiết nguồn nước của các công trình hồ chứa hợp lý. Giải pháp hữu hiệu tiết kiệm lượng nước nhiều nhất là đẩy mạnh chương trình chuyển đổi cây trồng cạn cũng được các địa phương khẩn trương thực hiện. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Sau khi rà soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với các địa phương diện tích chuyển đổi cây trồng vụ hè - thu năm 2019 là 1.940 ha; trong đó, chuyển đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày, cây ăn quả hơn 617 ha.
Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) chuyển đổi hiệu quả cây trồng ngắn ngày. Ảnh: Văn Nỷ
Để hướng tới đạt được mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi cây trồng cho cả năm 2019 hơn 1.553 ha, tinh thần chỉ đạo chung của UBND tỉnh là các ngành, các địa phương phải vào cuộc cùng với nông dân tập trung thực hiện quyết liệt, tạo bức phá ở vụ hè- thu. Phát huy vai trò là cơ quan tham mưu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất giải pháp chuyển đổi cụ thể, như: Bổ sung diện tích vùng chuyển đổi phù hợp với định hướng, quy hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là đưa vào canh tác các đối tượng cây trồng tiềm năng (măng tây xanh, nho, táo). Sở cũng đã đề nghị các huyện khẩn trương tập trung hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng sản xuất có hồ chứa dung tích nhỏ, các trạm bơm động lực chuyển sang bố trí cây trồng dài ngày, cây ngắn ngày luân canh bền vững, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có khả năng tổ chức liên kết với doanh nghiệp để khắc phục triệt để tình trạng hạn cục bộ, không có nước phải dừng sản xuất ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị trực thuộc tuyệt đối không điều tiết nước cho những hộ không chấp hành kế hoạch chuyển đổi, tổ chức sản xuất tại một số hồ chứa có dung tích thiết kế nhỏ, thường xuyên thiếu nước tưới ở vụ hè - thu như hồ Bàu Zôn, CK7, Tà Ranh, Suối Lớn, Phước Nhơn, Bà Râu, Thành Sơn và Trạm bơm Xóm Bằng, Trạm bơm Lợi Hải (Thuận Bắc).
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, hỗ trợ nông dân sản xuất thích ứng với nắng hạn, tin rằng vụ hè - thu 2019 sẽ đạt được nhiều kết quả.
Anh Tùng