Ở nhóm cây trồng cạn diện tích và năng suất cũng tăng đáng kể, nhất là mô hình cánh đồng lớn sản xuất bắp giống ở xã Phước Vinh (Ninh Phước) quy mô 80 ha, năng suất tăng vọt, đạt 7 tấn/ha, hộ trồng thu lãi 35 triệu đồng/ha.
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ đông - xuân 2018-2019. Ảnh: A.T
Đánh giá về tình hình sản xuất vụ đông - xuân 2018- 2019, đồng chí Phan Văn Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Thành công lớn nhất ở vụ này là các địa phương bám sát tinh thần Nghị quyết số 05- NQ/TU của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. So với vụ cùng kỳ, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa đã được nâng lên tầm cao hơn. Mô hình thí điểm san phẳng đồng ruộng bằng tia laser đầu tiên triển khai ở xã Phước Sơn và Phước Hậu (Ninh Phước), quy mô hơn 4 ha là nét mới. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu), cho hay: Nhờ ứng dụng công nghệ mới trong khâu làm đất, nên mặt ruộng không bị lồi lõm, hạn chế cỏ dại, nước phủ đều giúp cây lúa phát triển tốt.
Hiệu quả của mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser tạo cơ sở để ngành chưc năng, các địa phương xây dựng kế hoạch nhân rộng lên 28,5 ha ở vụ hè - thu 2019; trong đó, Ninh Hải 6,5 ha, Ninh Sơn 6,8 ha, Ninh Phước 15,3 ha. Tín hiệu đáng mừng góp phần vào thực hiện cơ cấu lại nội ngành lúa gạo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm đó là vụ này đã đưa vào sản xuât thí điểm giống lúa Đài thơm 8 của Công ty TNHH Giống cây trồng Miền Nam. Với tính năng vượt trội của giống lúa mới về chất lượng thơm ngon, mở ra triển vọng trong quy hoạch vùng sản xuất tập trung hàng hóa, hướng đến mục tiêu xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài để nâng giá trị gia tăng, thu nhập cho nông dân.
Điểm đáng chú ý ở vụ này là công tác chuyển đổi cây trồng dần đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, với diện tích hơn 582 ha. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước, có hiệu quả, ổn định lâu dài; đồng thời, cải tiến cách làm, giảm tối thiểu chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, mở rộng liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp. Qua đó, hình thành được 16 chuỗi liên kết giá trị lúa, quy mô hơn 2.300 ha/5.242 hộ; 3 chuỗi giá trị bắp giống, quy mô 370 ha/551 hộ; 3 chuỗi giá trị măng tây xanh, quy mô 17,7/105 hộ; 4 chuỗi giá trị nho, quy mô gần 273 ha/150 hộ. Việc hình thành các chuỗi giá trị cây trồng cho thấy nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất tập trung có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc nho. Ảnh: V.M
Nhìn lại sản xuất vụ đông- xuân 2018 - 2019 có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được mang tính đột phá, thì vẫn còn những tốn tại, hạn chế, cần sớm khắc phục để vụ hè - thu 2019 dành được nhiều thắng lợi hơn. Trong đó, công tác chuyển đổi cây trồng vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn, đang là trăn trở lớn của ngành chức năng và các địa phương. Một số huyện chưa quan tâm đến triển khai Đề án chuyển đổi cây trồng tại các hồ có lượng nước ít; các trạm bơm bằng động lực vẫn duy trì bơm nước trồng lúa làm tăng chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế thấp. Người dân còn mang nặng tập quán sản xuất lúa, chưa mạnh dạn chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước. Vụ này, các địa phương đều hoàn thành kế hoạch, riêng huyện Thuận Bắc diện tích chuyển đổi không đạt chỉ tiêu đề ra do một số hộ ở xã Bắc Sơn chưa chủ động thực hiện. Để tiếp tục công tác chuyển đổi cây trồng có hiệu quả trong vụ hè - thu 2019, giải pháp ngành chức năng đề ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nông dân trong triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất mới, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuận vào sản xuất.
Anh Tùng