Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện phối hợp với ngành chức năng tập trung khảo sát, triển khai Mô hình thí điểm sản xuất tại khu tưới hồ Phước Nhơn. Theo đó, địa phương vận động 24 hộ chuyển 12 ha đất lúa sang trồng bắp. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, với tổng mức 15 triệu đồng/ha. Mô hình sử dụng giống bắp nếp địa phương và thí điểm 2 kg bắp nếp F1 giống CX247 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, xuống giống từ ngày 22 đến ngày 28-1, hiện nay đã thu hoạch, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha. Sản phẩm được các đại lý thu mua nông sản ở địa phương bao tiêu với giá 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 27 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây.
Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Mô hình cơ bản đạt được mục tiêu đề ra là thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân vùng cao về chuyển đổi cây trồng trong điều kiện hạn hán, làm cơ sở để nhân rộng ở vụ hè - thu và trong thời gian tới. Do mô hình tiết kiệm nước tưới được 60% so với sản xuất lúa trước đây, lợi nhuận cao, phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của người dân địa phương, nên hiện nay có thêm một số hộ đăng ký áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước vào sản xuất 2 ha cây đậu phộng, 5 ha cây ăn trái ở vụ tới.
Để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình, UBND huyện Bác Ái chỉ đạo mỗi xã xây dựng 1 đồ án chuyển đổi tại cánh đồng cụ thể trong năm 2019, gắn với thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp lên kết với nông dân sản xuất trên quy mô lớn, theo hướng hai bên đều có lợi. Phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nha Hố thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Phục tráng và phát triển giống bắp địa phương” nhằm đáp ứng nhu cầu về giống phục vụ Chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vụ đông - xuân 2018-2019, huyện Bác Ái chuyển đổi được 205 ha cây trồng cạn; trong đó, Mô hình thí điểm sản xuất tại khu tưới hồ Phước Nhơn hiệu quả nhất, tạo đột phá mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng chí Ngô Thanh Lâm, chia sẻ: Kinh nghiệm rút ra từ mô hình là công tác truyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng là rất quan trọng. Đặc biệt, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí còn thấp đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết kiệt của cán bộ, đảng viên trong bám sát địa bàn, kiên trì vận động, thuyết phục các hộ tham gia chương trình là rất cần thiết.
Anh Tùng