Hóa đơn tăng không chỉ do giá tăng
Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, trên các trang mạng xã hội, người dân liên tục than thở, bức xúc về việc phải trả tiền điện tăng cao so với tháng trước. Tính từ thời điểm thực hiện tăng giá điện (20/3/2019) đến ngày 26/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận trên 13.000 ý kiến của khách hàng về hoá đơn tiền điện.
Tiền điện tăng cao khiến nhiều người dân than phiền. Ảnh minh họa: EVN
Mặc dù biết giá điện đã tăng từ ngày 20/3 song nhiều người vẫn bất ngờ về mức độ tăng tiền điện. Anh Nguyễn Văn Hùng ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, tiền điện tháng 4 của gia đình anh là 1,4 triệu đồng (tăng gần 600.000 đồng, tương đương 75% so với tháng 3).
"Mới tháng đầu hè, thời tiết còn chưa nóng lắm mà tiền điện đã tăng thế này rồi. Công ty điện nói giá điện chỉ tăng 8,3% nhưng có nhà nào dùng vài chục số điện đâu. Tôi thấy nhà nào ít cũng trên 200 số, thậm chí nhiều nhà trên 300 số điện. Ở bậc cao thì tiền điện tăng vọt hẳn so với bậc thấp, nắng nóng thế này chẳng lẽ chúng tôi tiết kiệm bằng cách không dùng điện?", anh Hùng bức xúc.
Trước những bức xúc của người dân khi phải trả tiền điện cao, EVN cho biết: Các khách hàng có lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5 lần trở lên so với tháng liền kề trước đó sẽ được ngành điện thực hiện phúc tra, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Lý giải nguyên nhân tiền điện tăng cao, bên cạnh nguyên nhân giá điện tăng, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, theo quy luật thời tiết hàng năm, khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C.
Khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội cũng bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm ẩm và đã có những ngày nắng nóng trên 30 độ C. Do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.
Theo thống kê của EVN, tại Hà Nội, mức tiêu thụ điện tăng từ 47 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3/2019) lên đến gần 58 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4/2019). Trong đó, ngày 20/4 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm với 63,4 triệu kWh. Điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4/2019 tại Hà Nội tăng 16,17% so với tháng 3/2019.
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, sản lượng tiêu thụ từ 71 triệu kWh/ngày (cuối tháng 3/2019) tăng lên hơn 83 triệu kWh/ngày (đầu tháng 4/2019). Sản lượng trong ngày cao nhất là 90,04 triệu kWh (ngày 24/4). Điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4/2019 tại TP.Hồ Chí Minh tăng 15,53% so với tháng 3/2019.
Một nguyên nhân nữa cũng phải kể đến là chu kì tính tiền điện tháng 4 là 31 ngày, nhiều hơn 3 ngày so với chu kì tháng trước.
Với những nguyên nhân trên thì dù giá điện không tăng từ ngày 20/3 thì tiền điện tháng 4 của khách hàng dùng điện vẫn tăng lên đáng kể.
Giá điện bậc thang có phải thủ phạm?
Hiện nay, giá điện bán lẻ cho sinh hoạt được tính theo 6 bậc, bậc càng cao thì giá càng cao để khuyến khích người dân dùng ít điện. Cách tính này bắt đầu áp dụng từ tháng 3/2015. Còn nhớ, rất nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra liên quan đến cách tính tiền điện theo bậc thang như vậy.
Ngay chính EVN khi đó cũng thừa nhận biểu giá điện sinh hoạt có 6 bậc thang này còn nhiều bất cập. Tuy nhiên sau khi “suy đi tính lại”, Bộ Công Thương quyết định vẫn giữ nguyên cách tính đó và duy trì đến hiện nay.
Bảng so sánh giá bán lẻ điện sinh hoạt trước và sau khi điều chỉnh.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá cho rằng giá điện hiện nay có điểm bất hợp lý là chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 - 50kWh) và bậc 2 (từ 51 - 100kWh) là thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân (1.864 đồng/kWh) với lí do ưu đãi người nghèo, còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân. Đặc biệt những người dân sử dụng điện ở bậc 6 sẽ chịu thiệt với mức giá rất cao so với giá bán điện bình quân.
Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình hiện nay đều phải sử dụng điện ở mức trên 100kWh, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Có thể nói ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình.
“Mặc dù vẫn biết điện là ngành năng lượng tiêu tốn tài nguyên, ngành điện có lý do để không khuyến khích người dân dùng nhiều. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, đời sống người dân được nâng cao, không nên kiềm chế việc người dân sử dụng điện vì có thể kiềm chế sự phát triển”, TS Ngô Trí Long đề nghị.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng dù hộ nghèo hiện nay cũng còn rất ít hộ dùng dưới 50 kWh/tháng, đời sống đã khác xưa. Do đó, phải tính toán để đại đa số người dân được hưởng mức giá tương đối hợp lý hơn.
Chuyên gia Ngô Trí Long đề nghị Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cần xây dựng lại biểu giá điện cho phù hợp.
Tuy nhiên về phía Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đa số các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang. Nếu chỉ áp dụng 1 bậc giá thì mức giá điện đang ở bậc 1, bậc 2 như hiện nay sẽ cao hơn nhiều và người nghèo, người sử dụng ít điện sẽ bị ảnh hưởng lớn.
“Cần duy trì biểu giá điện bậc thang như hiện nay. Cùng với đó, Cục sẽ chỉ đạo EVN nghiên cứu kiểm tra kỹ hơn về cơ cấu sử dụng điện của khách hàng để cải cách biểu giá điện bậc thang phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện của khách hàng hiện nay”, ông Tuấn cho hay.
Còn chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải minh bạch giá điện không chỉ trong EVN mà cả các doanh nghiệp điện khác hiện đang chiếm khoảng 40% nguồn điện của toàn nền kinh tế.
Mặc dù mới đầu mùa hè nhưng tiền điện đã tăng cao. Dự báo, từ nay đến tháng 7, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài trên cả nước. Khi đó, sản lượng điện tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng mạnh. Trước khi cơ quan quản lý tìm ra cơ chế mới cho giá điện thì mỗi người dân, hộ gia đình cần chủ động sử dụng điện an toàn, hiệu quả bằng cách tắt bớt các thiết bị không cần thiết, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện triệt để để bảo vệ túi tiền của chính mình.
Theo TTXVN/Báo Tin tức