Reiwa khởi đầu trong khó khăn
Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản trải qua 4 giai đoạn phát triển gồm: nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay).
Trong nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi trạng thái trì trệ, khi lên nắm quyền vào tháng 12-2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã triển khai chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics. Đến nay, Abenomics đã được triển khai qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối năm 2012, kết thúc vào tháng 8-2015 và giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 9-2015 đến nay. Giai đoạn 1 gồm có ba “mũi tên”: Chính sách tiền tệ mạnh dạn; Chính sách tài chính cơ động; Xây dựng chiến lược tăng trưởng mới. Ba mũi tên mới của giai đoạn 2 gồm: Phát triển kinh tế; Hỗ trợ chăm sóc trẻ em; Đảm bảo an sinh xã hội.
Trong thời gian qua, việc thực hiện Abenomics đã mang lại một số kết quả nhất định. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua. Tháng 1-2019, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tháng thứ 74 liên tiếp. Đây là giai đoạn tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như già hóa dân số và nợ công đứng ở mức cao. Bên cạnh đó, một chỉ số quan trọng về các xu hướng kinh tế mà Chính phủ công bố hồi tháng 3-2019 cho thấy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể đang bước vào giai đoạn suy giảm sau khi đạt đỉnh vào mùa Thu năm ngoái. Trong báo cáo kinh tế tháng 4/2019, Chính phủ Nhật Bản đã hạ thấp dự báo về nền kinh tế lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua. Trong báo cáo Tankan công bố vào đầu tháng 4/2019, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng cảnh báo chỉ số này niềm tin của các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã giảm từ 19 điểm trong tháng 12-2018 xuống còn 12 điểm. Do vậy, hơn lúc nào hết, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang rất cần một “cú hích” để đẩy “cỗ xe ọp ẹp ra khỏi quỹ đạo của sự trì trệ”.
Kỳ vọng vào một cú hích
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân dịp Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi Hoàng đế, Giáo sư Ryo Ikebe của Đại học Senshu (Nhật Bản) nhận định sự kiện này có thể sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng đón Triều đại mới, tỷ lệ kết hôn và sinh con của người dân Nhật Bản sẽ tăng lên. Tiêu dùng cá nhân sẽ tăng, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra những dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới, như vậy có thể kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế”.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã nhanh chóng tận dụng thời khắc chuyển giao mang tính lịch sử này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố niên hiệu mới, một cửa hàng bách hóa của Công ty TNHH Takashimaya ở quận Nihonbashi, thủ đô Tokyo, đã tung ra thị trường một bộ các đồng xu Koban (đồng xu có hình trái xoan) bằng vàng, nặng khoảng 60g, với giá lên tới 1,296 triệu yen (khoảng 11.600 USD) và các thỏi vàng nặng 100g trên đó khắc niên hiệu của hai thời kỳ là Heisei (Bình Thành) và Reiwa (Lệnh Hòa).
Trước lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito, theo trang tin Nikkei Asia Review, Takara Shuzo, nhà sản xuất rượu sake có trụ sở ở cố đô Kyoto, đã đưa vào hoạt động liền một lúc 3 nhà máy do lo ngại rượu sake có thể khan hiếm trong dịp này bởi vì, người dân Nhật Bản có truyền thống dùng rượu sake trong các sự kiện trọng đại.
Trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều nhà hàng, khách sạn tận dụng sự thay đổi về niên hiệu để tung ra các sản phẩm và hình thức khuyến mại mới. Khách sạn Ritz-Carlton ở Osaka ngay lập tức phục vụ cho các thực khách món cocktail mới lấy cảm hứng từ niên hiệu Reiwa. Đồ uống có tên gọi Kaoru-Reiwa này được pha chế từ rượu sake có xuất xứ từ Kyoto, rượu vodka và hỗn hợp siro dâu, cà chua bi và quýt. Mihoko Sato, cha đẻ của món cocktail này, cho biết kể từ khi khách sạn giới thiệu đồ uống này, nó đã trở nên phổ biến với cả đàn ông và phụ nữ, và ngày nào cũng có khách uống.
Ông Akiyoshi Takumori, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho rằng chi tiêu ở những thời khắc mang tính kỷ niệm sẽ có tác động rất lớn. Theo ông Takumori, năm 1989 - thời điểm Nhật hoàng Akihito lên ngôi với niên hiệu Heisei - và năm 2000 - khi thiên niên kỷ mới bắt đầu - đều là những năm có chi tiêu dùng và đầu tư vốn rất mạnh trong quý I.
Trong khi đó, Hideo Kumano, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life Research Institute, nhận định sự thay đổi về niên hiệu có thể sẽ có tác động lâu dài. Ông nói các buổi lễ và các di tích lịch sử liên quan tới Hoàng gia Nhật Bản sẽ thu hút thêm các du khách trong và ngoài nước, và vì vậy, ảnh hưởng kết hợp giữa sự thay đổi niên hiệu và các yếu tố khác sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế Nhật Bản cho đến mùa Thu năm nay.
Theo TTXVN