Tự hào về những thành tựu mới của quê hương Ninh Thuận

(NTO) Sau 44 năm tỉnh nhà được giải phóng, đặc biệt qua 27 năm tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từng bước khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Dấu ấn sau một chặng đường

Trải qua chặng đường 27 năm xây dựng và phát triển, đến nay Ninh Thuận đã qua 6 kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ, từ Đại hội VIII (1992-1995) đến Đại hội XIII (2015-2020). Trong từng gia đoạn, tỉnh ta đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng bằng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện, nhờ đó kinh tế - xã hội của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực qua từng năm. Cụ thể, nếu giai đoạn 1992 – 2016, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 8,7%/năm thì đến năm 2018 đạt 10,25% (tăng cao nhất trong 3 năm qua). Đặc biệt, thu ngân sách chỉ đạt vài chục tỷ đồng vào năm 1992, đến năm 2011 vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng và đến năm 2018 đã đạt con số gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp hàng chục lần so với năm đầu tái lập tỉnh và về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Giống thủy sản GROBEST, xã An Hải (Ninh Phước)
kiểm tra chất lượng tôm giống tại bể nuôi. Ảnh: Hữu Phương

Về cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 15,8% năm 1992 lên 22,4% năm 2018; khu vực dịch vụ tăng từ 29,4% lên 40,3% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 54,8% năm 1992 xuống còn 37,3% năm 2018. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, năm 1995 mới đạt 1,37 triệu đồng/người, năm 2016 đạt 30,3 triệu đồng/người thì đến năm 2018 đạt 39,7 triệu đồng/người/năm. Các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả; trong đó, diện tích gieo trồng tăng từ 47.708 ha năm 1992 lên trên 81.700 ha vào năm 2018; giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 1992-2016 tăng 10,6%/năm.

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Ninh Thuận là một trong những doanh nghiệp
có mức đóng góp cao vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Ảnh: V.T

Nhiều công trình hồ chứa nước quy mô lớn đã, đang tiếp tục đầu tư nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các công trình hạ tầng thiết yếu như: Điện, nước, giao thông, trường học, bệnh viện được tập trung đầu tư. Công tác quy hoạch, phát triển các khu đô thị mới, phát triển nhà ở xã hội... được tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ.

Nông dân huyện Ninh Phước trồng táo trong nhà lưới cho năng suất cao. Ảnh Uyên Thu

Để hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, thời gian qua tỉnh tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nên đã thu hút được các tập đoàn, tổng công ty lớn, có thương hiệu, năng lực, uy tín trong và ngoài nước. Năm 2018, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt 8.000 tỷ đồng và lần đầu tiên nằm trong tốp 10 tỉnh có thu hút đầu tư FDI cao nhất cả nước. Trong quý I-2019, UBND tỉnh tiếp tục cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm cho 10 dự án, với tổng vốn 6.255 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được cấp quyết định và chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2018 đến nay lên 99 dự án, với tổng vốn trên 81.250 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực năng lượng, đến nay có 32 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất trên 1.900MW; trong đó, có 2 dự án đã đi vào hoạt động, 14 dự án đã tiến hành khởi công xây dựng đạt tiến độ.

Thi công công trình tại Dự án Điện gió Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: V.M

Đối với các dự án điện gió, có 13 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư quy mô công suất trên 700MW, trong đó có 3 dự án đang triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm khoảng 10 dự án điện gió, điện mặt trời tổ chức khánh thành, nâng tổng công suất dự án hoàn thành lên khoảng 1.000MW.

Khai mở tiềm năng để phát triển

Kỳ vọng của tỉnh ta trong năm 2019 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10-11% và phấn đấu đạt cao hơn; GRDP bình quân đầu người đạt 45-46 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 34-35%; công nghiệp - xây dựng chiếm 25-26%; dịch vụ chiếm 39-40%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt từ 2.700 – 2.800 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 15.200 tỷ đồng... Để tạo động lực bứt phá, UBND tỉnh lấy phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy điều hành, chủ động bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà UBND tỉnh đã đề ra. Tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 5-1-2019 của UBND tỉnh. Đồng thời, khẩn trương rà soát đánh giá, xác định trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hôm nay. Ảnh: V.T

Ngoài các giải pháp kể trên, tỉnh còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tham mưu, phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc thi công xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng. Chú trọng việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là các nhóm ngành trụ cột, đột phá của tỉnh. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Thực hiện tốt công tác cập nhật thông tin để nâng cao năng lực phân tích, dự báo; gia tăng hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Để khai mở tiềm năng, nội lực hướng đến phát triển bền vững, tỉnh còn tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; ưu tiên phát triển đồng bộ các nhóm ngành kinh tế trọng điểm, mang tính đột phá, trụ cột về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế. Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm như: Đường cao tốc Bắc-Nam, Cảng biển tổng hợp Cà Ná. Tăng cường theo dõi, giám sát tình hình triển khai các dự án đang triển khai; thực hiện tốt cơ chế phối hợp, nhắc nhở, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư các dự án, với mục tiêu sớm đưa các dự án điện gió, điện mặt trời đi vào hoạt động để cung cấp, bổ sung thêm nguồn điện cho quốc gia; giúp tỉnh tăng thu ngân sách, phát triển du lịch, thúc đẩy tăng tốc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đạng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.