Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2019, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, quý I-2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Như vậy, tai nạn giao thông trong quý I-2019 giảm trên 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương, giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, so với quý I-2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 644 vụ (giảm 13,78%), số người chết giảm 244 người (giảm 11,35%), số người bị thương giảm 486 người (giảm 13,4%).
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn biến rất phức tạp, 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm, nhưng vẫn còn 19 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng trong quý I so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20%. Bên cạnh đó, dù đã giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng vẫn xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm chết 29 người và bị thương 29 người. Điển hình như vụ tai nạn do xe khách chạy sai lộ trình đâm vào đoàn người đưa tang tại huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), làm 7 người chết, 1 người bị thương; vụ lái xe Lexus vi phạm nồng độ cồn đâm đội dịch vụ tang lễ đang chuẩn bị làm lễ đưa tang tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), làm 4 người chết, 6 người bị thương. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa cao, dẫn đến tình trạng người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường cho phép, sử dụng rượu bia khi lái xe... còn diễn ra tại nhiều nơi trên hệ thống đường bộ toàn quốc.
Trong đó, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích rất đáng lo ngại trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc tập trung do ngành Giao thông vận tải, y tế thực hiện, tỷ lệ còn thấp so với thực tế; vai trò chủ động phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế.
Quy rõ trách nhiệm, tăng nặng mức phạt
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành xác định rõ nguyên nhân chủ quan của quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương để từ đó đề xuất giải pháp có thể triển khai ngay. Đặc biệt, quy rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong bảo đảm an toàn giao thông để tiếp tục kéo giảm sâu số vụ tai nạn giao thông trong quý II-2019. Trong đó, kiên quyết giảm tai nạn giao thông do vi phạm ma túy, nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn khi tham gia giao thông...
Về vấn đề lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích, cần xử lý nghiêm như sửa đổi luật, tước giấy phép lái xe, buộc người vi phạm lao động công ích. Nếu doanh nghiệp vận tải vi phạm thì xử lý nặng, như tội giao phương tiện có nguồn nguy hiểm cao độ cho người không đủ năng lực, điều kiện để tham gia giao thông. Xem xét xử lý nhà xe bởi không thể nào là nhà xe mà không biết tài xế của mình nghiện ma tuý. Chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Khi có tai nạn giao thông xảy ra, phải truy lại toàn bộ trách nhiệm về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép của cơ sở đào tạo lái xe và địa phương cấp bằng lái xe để tìm nguyên nhân, rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức có liên quan.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong quý II-2019, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành thực hiện kế hoạch Năm An toàn giao thông 2019, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là dịp cao điểm 30-4, 1-5 sắp tới; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chuyên đề tại các địa phương có tai nạn giao thông tăng trong quý I, trong đó có việc triển khai Nghị quyết 12 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là việc thực hiện các chỉ đạo về xử lý điểm đen tai nạn giao thông, lối đi tự mở qua đường sắt, kiểm tra ma túy và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng bộ ngành rà soát lại để sửa Nghị định 46/NĐ-CP theo hướng tăng cao mức phạt như tịch thu phương tiện, xử lý nghiêm chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông, buộc người vi phạm phải lao động công ích. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cũng như đúc kết từ thực tế, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã xác định, các bộ, ngành Trung ương các địa phương trong cả nước thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; sử dụng điện thoại khi đang lái xe, không đội mũ bảo hiểm; thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; siết chặt kỷ cương đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông. Trong đó, cần lưu ý các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng tại các cuộc họp trực tuyến, đặc biệt cần quy rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương trong đảm bảo an toàn giao thông để tiếp tục kéo giảm sâu tai nạn giao thông trong quý II; kiên quyết giảm tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn, chất ma tuý, giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, giảm thương vong do vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn..
Theo TTXVN