Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các cấp, các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy định pháp luật ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức 240 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 7.077 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Kết quả có 5.951 cơ sở đạt điều kiện ATTP (chiếm 84,1%), có 1.126 cơ sở vi phạm (chiếm 15,9%), xử phạt vi phạm hành chính 86 cơ sở với số tiền 126,2 triệu đồng; cảnh cáo 6 cơ sở kinh doanh rượu giả nhãn hiệu, nhắc nhở 1.034 cơ sở vi phạm do chưa xác nhận kiến thức, khám sức khỏe chưa đầy đủ, cơ sở, trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo vệ sinh… Riêng trong quý I- 2019, toàn tỉnh tổ chức 76 đoàn kiểm tra, thanh tra 2.218 cơ sở, qua đó phát hiện 232 cơ sở vi phạm (chiếm 10,5%). Trong đó, có 74 đoàn kiểm tra do ngành Y tế chủ trì, kiểm tra 1.620 cơ sở, phát hiện 192 cơ sở vi phạm; 1 đoàn do ngành Nông nghiệp và phát phát triển nông thôn chủ trì thanh tra, kiểm tra 14 cơ sở, phát hiện 2 cơ sở vi phạm do sử dụng thiết bị bảo quản sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, buộc tiêu hủy 44 kg thịt chim cút đã được sơ chế làm sạch lông nguyên con.
Đoàn thanh tra do ngành Y tế chủ trì kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Việc lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm và giám sát việc sử dụng chất cấm cũng được quan tâm thực hiện. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, riêng trong quý I-2019, các đoàn đã tiến hành lấy 15 mẫu thực phẩm để tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP, kết quả có 3 mẫu không đạt, trong đó có 1 mẫu nước uống đóng bình, 2 mẫu nước đá không đạt về các chỉ tiêu vi sinh. Ngoài ra, qua test nhanh 552 mẫu thực phẩm, kết quả cho thấy có 1 mẫu tàu hũ ki dương tính với hàn the, 2 mẫu có độ ôi khét trong dầu.
Thực tế cho thấy việc thực hiện công tác ATTP còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vẫn còn nhiều cơ sở không chấp hành tốt các quy định ATTP. Công tác quản lý ATTP thức ăn đường phố của tuyến xã, phường chưa được siết chặt. Đặc biệt, viêc xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhất là ở tuyến huyện, tuyến xã nên tạo tâm lý chủ quan, thờ ơ, thiếu ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm…
Nhằm tăng cường giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, trung thực hiện các vấn đề liên quan đến ATTP; đề cao vai trò của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi quy định pháp luật ATTP; đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành chức năng, tổ chức xã hội và người tiêu dùng trong công tác này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019, với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5, với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Ngoài việc ra quân chiến dịch tuyền thông bảo đảm ATTP, các cấp, các ngành chức năng sẽ thành lập các đoàn tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Bà Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Tháng hành động vì ATTP năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng tạo đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, chế biên thực phẩm. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; cũng như sự phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị xã hội và người tiêu dùng trong việc quản lý trên lĩnh vực này. Qua đó, giúp phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh do sử dụng thực phẩm không an toàn, góp phàn quan trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Uyên Thu