Những con số đáng báo động
Gần đây, những vụ việc xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó xâm hại tình dục trẻ em luôn chiếm tỉ lệ cao so với các vụ xâm hại tình dục nói chung và đặc biệt, số trẻ em gái nhỏ dưới 16 tuổi bị xâm hại cũng tăng.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.
Riêng trong năm 2018, theo thống kê của Bộ Công an, toàn quốc phát hiện hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng vụ xâm hại trẻ em) với hơn 1.200 đối tượng, xâm hại hơn 1.100 em. Trong những tháng đầu năm 2019, số vụ trẻ bị xâm hại đang gây nhiều phẫn nỗ và bức xúc trong xã hội.
Tuy nhiên, những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý cho nên con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Và thực tế còn cao hơn rất nhiều do chính nạn nhân hoặc người thân nạn nhân giấu giếm vụ việc vì sợ tổn hại uy tín, danh dự của gia đình, hoặc là bị các đối tượng mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa...
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ việc xâm hại trẻ em trong thời gian qua, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, nguyên nhân thứ nhất do nhận thức pháp luật của thủ phạm xâm hại trẻ em rất thấp. Nguyên nhân thứ hai, về phía quy định pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử phải áp dụng tối đa các hình phạt hiện hành đối với tội xâm hại tình dục trẻ em; từ đó, đảm bảo tính chất nghiêm minh, răn đe và xử đúng người đúng tội.
Ngoài ra, sự suy đồi, xuống cấp đạo đức của các đối tượng phạm tội, sự thiếu hiểu biết về pháp luật, nhận thức mơ hồ về tình yêu, tình dục, hôn nhân và gia đình của các đối tượng phạm tội cũng được cho là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, lỗ hổng về giáo dục giới tính từ trong gia đình và nhà trường còn quá lớn khiến các em không nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội này.
Đáng lo ngại, những hành vi xâm hại tình dục mà trẻ em là nạn nhân sẽ để lại hậu quả rất lâu dài và khó khắc phục. Nạn nhân bị xâm hại tình dục có thể bị khủng hoảng, sang chấn về tâm lý, gây ảnh hưởng đến hành vi, đến kết quả học tập, đến mối quan hệ bạn bè đồng giới hay khác giới. Đã có những nạn nhân không thể phục hồi được tâm lý sau những vụ xâm hại tình dục; nhiều trường hợp nạn nhân bị ám ảnh, sợ sệt không dám lập gia đình... Song song với tổn thương tâm lý là tổn thương về thể chất. Có những em, thậm chí, đã phải cắt bỏ hoàn toàn phần phụ sau khi bị xâm hại...
Chính vậy, điều mấu chốt là cần có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn để tránh nguy cơ xâm hại bạo lực diễn ra. Các chuyên gia cho rằng, đối với những vụ xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng đối tượng vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật.
Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại
Không chỉ gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho nạn nhân và gia đình, về mặt xã hội, xâm hại tình dục trẻ em còn là sự suy đồi đạo đức của một số người, cần phải lên án mạnh mẽ và phải xử lý kịp thời, nghiêm minh. Do đó, những người trong cuộc không nên im lặng trước các hành vi đáng lên án này, thay vào đó cần thông báo, tố giác kịp thời các vụ việc để xứ lý nghiêm minh.
Và để những điều đáng tiếc không thể xảy ra, điều quan trọng hơn cả, cần tăng cường phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục bằng cách: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao nhận thức, đạo đức, nhân cách của mỗi con người; đề cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc ngăn chặn, tố giác, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại trẻ em…
Để giảm thiểu những nguy cơ xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em, theo các chuyên gia, kiến thức về giới tính cần được giáo dục càng sớm càng tốt. Xâm hại tình dục ở các thể rất khác nhau, cho nên từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ em phải có chương trình giáo dục cho phù hợp.
Đối với các bậc cha mẹ, cần phải nâng cao nhận thức của mình để phối hợp với nhà trường giáo dục, cung cấp sớm cho các em những kiến thức về giới tính, những biện pháp phòng ngừa, những dấu hiệu nhận biết và tự bảo vệ mình khi gặp tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần quan tâm trò chuyện, lắng nghe con nhiều hơn, để trẻ có thể tin tưởng, cởi mở và tâm sự với cha mẹ về mọi chuyện, từ đó, có thể sớm nhận biết con có đang gặp vấn đề gì không an toàn hay không. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết...
Một số kỹ năng cha mẹ cần dạy trẻ khi đi thang máy để tự bảo vệ khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục
Đặc biệt, khi tình trạng xâm hại trẻ trong thang máy ngày càng nguy hiểm và diễn ra công khai hơn bao giờ hết, cha mẹ hãy hết sức nâng cao cảnh giác để con mình không trở thành một nạn nhân tiếp theo bằng cách dạy trẻ một số kỹ năng để tránh bị xâm hại tình dục khi sử dụng thang máy trong các khu chung cư, các trung tâm thương mại...
- Không đi thang máy với người lạ khi chỉ có một mình. Nếu con cảm thấy nguy hiểm, hãy đợi chuyến sau.
- Luôn đứng gần bảng điều khiển của thang máy, bấm tầng gần nhất để thoát ra khi gặp nguy hiểm. Hoặc nút báo cháy, báo sự cố thang máy. Nút bấm đó không chỉ dùng khi có sự cố thang máy mà nó còn là nút cứu con khi con bị tấn công.
- Đi thang máy đông người mà có ai đó cố tình chạm vào con, hãy nói to: Không được chạm vào tôi! Mọi người trong thang máy sẽ giúp con.
- Đừng cắm mặt vào điện thoại hay cúi gằm mặt. Hãy chọn vị trí gần cửa thang máy nhất và luôn quan sát xung quanh.
- Gọi điện thoại cho bố mẹ, người thân để chắc chắn con có thể kêu cứu nhanh nhất cũng như kẻ xấu có ý đồ không thể thực hiện ý đồ.
- Dù gặp bất cứ điều tồi tệ gì, con đừng im lặng hay xấu hổ không dám nói mà con luôn nhớ có bố mẹ ở bên.
Xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là hành vi không thể dung thứ cả về pháp lý và đạo đức, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội để ngăn chặn, phòng ngừa.
Theo TTXVN