* Philippines chỉ trích sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc gần một đảo do Manila chiếm đóng tại Biển Đông là hành động bất hợp pháp và rõ ràng vi phạm chủ quyền của Philippines. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Philippines cho biết nước này đã gửi công hàm phản đối liên quan tới hoạt động này của Trung Quốc.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ: “Những hành động như vậy khi không bị Chính phủ Trung Quốc phản đối chứng tỏ chính quyền nước này cho phép những hành động đó xảy ra”. Cũng theo thông báo, sự hiện diện của các tàu gần khu vực đảo Thị Tứ trong một thời gian liên tục dấy lên câu hỏi về ý định cũng như quan ngại liên quan tới vai trò của những tàu này “trong việc hỗ trợ mục tiêu cưỡng ép”.
Dữ liệu quân sự cho thấy, Philippines đã giám sát hơn 200 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ mà Manila gọi là Pagasa ở Biển Đông từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay.
* NATO sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế Nga.
Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngày 4-4, Tổng thư ký (TTK) Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg đã có bài phát biểu tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trong đó ông khẳng định NATO sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế Nga do Moskva đang tăng cường hiện diện quân sự từ Bắc Cực đến Địa Trung Hải, Biển Đen và Biển Baltic Sea, cũng như cách hành xử của Nga với các đồng minh và các đối tác của NATO.
Ông Jens Stoltenberg nêu rõ: “NATO sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế, phòng thủ và đối thoại”. Việc này là do Nga đang tăng cường hiện diện quân sự từ Bắc Cực đến Địa Trung Hải, từ Biển Đen đến Biển Baltic Sea, bởi vì họ đã thường táo tợn tấn công các đặc vụ ở Anh, hậu thuẫn chế độ của (Tổng thống) Assad ở Syria, tiến hành các vụ tấn công mạng vào các đồng minh và các đối tác của NATO. Bên cạnh đó, Moskva cũng đang tiến hành một chiến dịch tung tin giả trên nhiều phương diện và cố gắng can thiệp vào các tiến trình dân chủ.
Ông Stoltenberg đã cáo buộc lối hành xử hung hăng của Nga là một trong những thách thức lớn nhất của khối này và NATO sẽ tiếp tục gia tăng sức ép với Moskva.
* Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc có thể không ra được tuyên bố chung.
Một nguồn tin ngoại giao tại Brussels ngày 4-4 tiết lộ dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc vốn sẽ diễn ra vào đầu tuần tới tại Brussels, vẫn chưa được phê duyệt và hội nghị này do đó có thể kết thúc mà không có tuyên bố nào được ký kết.
Nguồn tin này nêu rõ khối đang kêu gọi Trung Quốc tạo những điều kiện thuận lợi cho các công ty của EU tiếp cận thị trường Trung Quốc trong khi Bắc Kinh không muốn đưa ra những sự nhượng bộ. Trong khi đó, EU và Trung Quốc đã không đạt được một lập trường chung về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đây là một chướng ngại vật bởi hội nghị này có thể kết thúc mà không đạt được tuyên bố cuối cùng.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 giữa EU và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 8-9/4 sẽ tập trung vào sự cải cách WTO, thu hút đầu tư và cùng xóa bỏ những khoản thuế chống bán phá giá.
H.L (tổng hợp)