* Trong nước:
- Ngày 30-3-1938: Vua Bảo Đại ra đạo dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi và nhập vào tỉnh Thừa Thiên.
Đạo dụ ghi rõ: Các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Việt Nam đã lâu đời. Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Khi Pháp xâm lược và biến Việt Nam thành thuộc địa, chính phủ Pháp thực hiện quản lý 2 quần đảo này.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, quân Nhật chiếm Hoàng Sa và Trường Sa làm căn cứ quân sự. Đến tháng 9-1951, tại hội nghị quốc tế ở San Francisco (Mỹ), Nhật đã cam kết từ bỏ mọi danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo này.
Cũng tại hội nghị này, đại diện chính quyền Bảo Đại đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Ngày 30-3-1956: Bác Hồ thăm lớp bình dân học vụ Lương Yên (Hà Nội).
Ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với đồng bào tại lớp bình dân học vụ ở khu lao động Lương Yên, quận Hai Bà Trưng.
Người dừng lại trong mỗi lớp rất lâu, xem xét cách giảng dạy của thầy giáo, hỏi thăm tình hình học tập, công việc làm ăn, đời sống của người đi học.
Nói chuyện với bà con, Người rất vui mừng khi thấy khu lao động thoáng mát, sạch sẽ, có câu lạc bộ, sân vận động, máy phóng thanh. Bác khen ngợi những cố gắng của cả người dạy và người học.
- Ngày 30-3-1972: Mở màn “Chiến dịch Xuân - Hè 1972”.
“Chiến dịch Xuân - Hè 1972” là cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên là hướng tấn công chính.
Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9, giải phóng hoàn toàn 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ. Đến cuối tháng 4, quân ta buộc địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Tháng 6-1972, địch mở cuộc phản công quy mô lớn nhằm chiếm lại thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa quân ta và quân địch diễn ra tại Thành Cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm.
Sau khi gây sức ép nặng nề và tiêu diệt được nhiều lực lượng địch, quân ta dần rút lui, kết thúc chiến dịch ngày 31-1-1973.
Chiến dịch đã khẳng định bước phát triển mới cả về thế và lực của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
* Thế giới:
- Ngày 30-3-1909: Mỹ khánh thành cầu Queenboro (nay là cầu Ed Koch).
Cầu Queenboro bắc ngang sông Đông, nối liền hai quận Manhattan và Queens của thành phố New York, Mỹ. Với chi phí 20 triệu USD, Queenboro đã trở thành cây cầu lớn nhất Bắc Mỹ thời bấy giờ.
Cầu có tổng chiều dài 2.270m, rộng 30m, phần cầu chính dài 1.135m, với 4 trụ cầu. Trên 4 trụ có xây tháp nhằm đỡ lực cho toàn bộ phần cầu chính. Điểm đặc biệt của cây cầu này là nó có 2 tầng lưu thông.
Tháng 12-2010, Hội đồng thành phố New York đã quyết định đặt tên mới cho cầu là Ed Koch. Tuy nhiên, cái tên Queenboro đã đi sâu vào ký ức của mỗi người dân. Cây cầu không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển của thành phố New York mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn phim của Hollywood.
- Ngày 30-3-2007: Lễ ký Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật
Tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, 80 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và Ủy ban châu Âu đã ký Công ước quốc tế bảo vệ quyền của người khuyết tật. Đây là con số kỷ lục về số nước tham gia ký kết ngay trong ngày đầu tiên của lễ ký.
Công ước là một văn bản quy phạm pháp luật quốc tế đầu tiên nhằm thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người, quyền tự do cơ bản, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá của 650 triệu người tàn tật trên thế giới.
Việt Nam, ký công ước tháng 10-2007 và phê chuẩn tháng 11-2014.
(Theo TTXVN)