* EU chấp thuận phương án lùi thời điểm thực thi Brexit
Ngày 21-3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết: 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn Điều 50 cho tới ngày 22-5 nếu như Hạ viện Anh bỏ phiếu phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Theresa May đưa ra vào tuần tới.
Trong phiên họp ngày 21/3, các nhà lãnh đạo EU đã chấp thuận phương án lùi
thời điểm thực thi Brexit (Ảnh cắt từ bản tin NHK)
Tuy nhiên, thông điệp trên trang Twitter của ông Tusk cũng cảnh báo thêm rằng, trong trường hợp bản dự thảo thỏa thuận Brexit không được Quốc hội Anh thông qua vào tuần tới, thì việc gia hạn Điều 50 sẽ chỉ có hiệu lực tới ngày 12-4.
Quan chức cấp cao của EC cho biết, cũng trong ngày 21-3, 27 nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận Strasbourg và sẽ tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Tại cuộc gặp gỡ diễn ra ở thành phố Strasbourg (Pháp), các đại diện EU và Anh đã đạt được một thỏa thuận, trong đó đề cập tới những sự bảo đảm pháp lý liên quan tới vấn đề biên giới của Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit.
* Nga kêu gọi phương Tây nối lại các nỗ lực kiểm soát vũ khí
Tại phiên họp toàn thể Hội nghị giải trừ quân bị do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 20-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây nối lại nỗ lực trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, tất cả chúng ta đều có đủ sức mạnh và sự khôn ngoan để vượt qua cuộc khủng hoảng, bảo toàn và thắt chặt các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát và không phổ biến vũ khí cũng như đưa ra thêm những thỏa thuận mới trong lĩnh vực này… Tuy nhiên, cho tới nay, những tuyên bố do đại diện Mỹ đưa ra tại Hội nghị lại chỉ là bằng chứng trái ngược… Tôi hy vọng rằng đồng nghiệp các nước phương Tây có thể đánh giá tình hình và đề ra những vấn đề ưu tiên một cách có trách nhiệm, đồng thời nối lại những nỗ lực chung cùng với chúng tôi nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh, gồm cả lĩnh vực kiểm soát vũ khí” – đại diện ngoại giao Nga phát biểu.
* Giá dầu thế giới giảm gần 1%
Trong phiên giao dịch ngày 21-3, giá dầu thế giới giảm gần 1% song vẫn sát mức cao của năm 2019, do nguồn dự trữ thắt chặt trên toàn cầu, chương trình cắt giảm sản lượng "vàng đen" của các nhà sản xuất lớn và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela. Cụ thể tại New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,64 USD (0,9%) xuống 67,86 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm nhẹ xuống 59,98 USD/thùng, sau khi có thời điểm vọt lên 60,33 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 12/11.
Các nhà giao dịch nhận định giá dầu đã tăng gần 30% kể từ đầu năm 2019, nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela. Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng làm gián đoạn nguồn cung ứng “vàng đen” trên thị trường.
HL (tổng hợp)