Hồi chuông báo động về kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng tại New Zealand và Hà Lan

Trong bối cảnh dư luận thế giới chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng kinh hoàng vào 2 thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch ở New Zealand ngày 15-3-2019 khiến 50 người thiệt mạng, chỉ ba ngày sau, một vụ xả súng tiếp tục xảy ra nhằm vào một tàu điện trên phố 24 Octoberplein thuộc thành phố Utrecht của Hà Lan khiến 3 người thiệt mạng, 5 người bị thương, trong đó có 3 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. Các vụ xả súng liên tiếp tại này đã đặt ra vấn đề về kiểm soát súng đạn.

New Zealand thắt chặt luật sử dụng súng

Vụ xả súng giết người hàng loạt chưa từng có tại New Zealand trong gần 30 năm qua đặt nước này vào tình trạng báo động ở mức cao lần đầu tiên trong lịch sử đã cho thấy quy định kiểm soát súng đạn ở nước này còn lỏng lẻo.

Trên thực tế, New Zealand đã từng xảy ra một số vụ xả súng song phần lớn bắt nguồn từ vấn đề bất ổn tâm lý, những mâu thuẫn gia đình hay bất đồng trong công việc, điển hình như vụ một đối tượng có vấn đề về tâm thần nổ súng bắn chết 13 người ở thành phố miền Nam Aramoana năm 1990. Hai năm sau vụ xả súng này, vào năm 1992, New Zealand đã hạn chế quyền tiếp cận súng trường bán tự động. Tuy nhiên, Luật pháp New Zealand quy định bất cứ công dân trên 16 tuổi đều có thể xin giấy phép sử dụng súng có hiệu lực 10 năm và không bắt buộc tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng. Dù đối với các loại súng trường bán tự động, súng ngắn và một số loại vũ khí bị hạn chế khác, người làm đơn có thể sẽ phải cung cấp thêm một số giấy chứng nhận, song cảnh sát và các chuyên gia cho biết quy định này tồn tại rất nhiều lỗ hổng cho phép người dùng "lách" luật.

Ngoài ra, Dự luật kiểm soát vũ khí của New Zealand, vốn không được cập nhật kể từ khi có hiệu lực vào năm 1992, không quy định tất cả các loại súng phải được đăng ký sử dụng, khiến cảnh sát không thể biết chính xác số khẩu súng được sở hữu hợp pháp hoặc trái phép ở nước này. Theo ước tính của cảnh sát, tính đến năm 2014, New Zealand có khoảng 1,2 triệu khẩu súng được sở hữu hợp pháp, tức là cứ 4 người dân thì có một người sở hữu súng - tỷ lệ cao gấp hai lần so với quốc gia láng giềng Australia. Năm 1997, cảnh sát New Zealand đã cảnh báo về tình trạng buông lỏng quy định sở hữu súng, qua đó hối thúc các nhà lập pháp sửa đổi Dự luật kiểm soát vũ khí. Tiếp đó, những sửa đổi được thông qua vào năm 2012 đã làm rõ một số quy định về vũ khí tấn công đã đăng ký, nhưng những thay đổi này vẫn nhỏ và chủ yếu là về kỹ thuật. Cho đến nay những nỗ lực kêu gọi cải cách luật sở hữu súng đạn đều đang bị "treo" ở Quốc hội New Zealand.

Chỉ tới khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu tại Christchurch khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương mới buộc giới chức New Zealand phải có hành động dứt khoát. Ngày 18-3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã công bố các kế hoạch thắt chặt luật sử dụng súng sau khi nội các nước này nhất trí thắt chặt luật này. Bà cũng khuyến khích người sở hữu súng tự giác giao nộp những vũ khí không cần thiết sau khi các thông tin điều tra ban đầu cho thấy vũ khí mà nghi phạm Tarrant trong vụ xả súng tại Christchurch sử dụng đều là vật sở hữu hợp pháp. Thủ tướng Ardern cho biết kế hoạch chi tiết sửa đổi luật sở hữu súng sẽ được chính phủ công bố trong tuần tới đồng thời bà cũng tin rằng những cải cách này sẽ khiến đất nước trở nên an toàn hơn.

Theo lời kêu gọi của chính phủ New Zealand sau vụ xả súng kinh hoàng tại hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch hôm 15-3 vừa qua, người dân New Zealand đã bắt đầu nộp lại vũ khí. Hiện cảnh sát New Zealand chưa có liệu cụ thể về số lượng vũ khí đã được người dân giao nộp nhưng cũng đã phát đi khuyến cáo rằng trong bối cảnh an ninh đang được thắt chặt và tình hình hiện tại, người dân nên gọi cho cảnh sát trước khi giao nộp vũ khí.

Đây là những vấn đề đặc biệt cấp thiết khi bạo lực súng đạn và chủ nghĩa cực đoan đã lan tới một quốc gia từng đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2018, vốn là thước đo về mức độ thanh bình, an ninh và an toàn của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Báo động về kiểm soát súng đạn tại Hà Lan và châu Âu

Còn trong vụ xả súng ngày 18-3 tại Utrecht, dù nhà chức trách Hà Lan cho biết đang tiến hành điều tra theo hướng có thể là động cơ khủng bố nhưng “không thể loại trừ” các động cơ khác, song vấn đề kiểm soát súng đạn tại nước này nói riêng và tại châu Âu nói chung cũng trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Đặc biệt khi các vụ nổ súng giết người hiếm khi xảy ra ở thành phố Utrecht cũng như các khu vực khác ở Hà Lan.

Có thể thấy, lâu nay, mối đe dọa khủng bố chính ở châu Âu vẫn do bom gây ra. Tuy nhiên trong những năm qua, các vụ tấn công do những kẻ cực đoan người Pháp và Bỉ trở về từ Syria thực hiện cho thấy súng đang dần được ưa chuộng hơn bom. Các vụ tấn công khủng bố bằng súng này cũng khiến dư luận để ý hơn tới các đường dây buôn súng lậu do nhiều băng tội phạm vùng Balkan kiểm soát, với đích đến là trung tâm của châu Âu, trong đó có Hà Lan. Các đường dây buôn lậu súng này cho thấy phần nào vấn đề mà các lực lượng cảnh sát châu Âu đang phải đối mặt. Thế nhưng mối đe dọa này không phải là mới mẻ. Cũng như mối quan hệ giữa vùng Balkan với Pháp và Bỉ, nơi dữ liệu cảnh sát cho thấy mỗi năm cảnh sát thu giữ gần 6.000 khẩu súng các loại, vấn đề là nỗ lực trấn áp không thể theo kịp với các vụ khủng bố và sự phổ biến của các tuyến đường buôn lậu, gồm những tuyến mới bắt nguồn từ Libya và Ukraine.

Ngoài ra, việc các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có biên giới mở với nhau được cho là một trong những nguyên nhân khiến vũ khí và những kẻ cực đoan dễ dàng đi lại trong khối. Đã có những lời kêu gọi siết chặt lại hoạt động kiểm soát biên giới, nhưng ngay cả khi việc này diễn ra, vẫn rất khó để tiễu trừ hoàn toàn hoạt động buôn bán súng lậu, đã “nở rộ” ngay chính bên trong EU.

Trước thực trạng này, tháng 6-2016, EU đã thông qua dự thảo về kiểm soát súng đạn. Theo dự thảo quy định của EU, tất cả các loại vũ khí và thiết bị chế tạo vũ khí sẽ phải đăng ký, tất cả các nước trong EU sẽ trao đổi thông tin để kiểm soát tốt hơn việc mua bán các loại vũ khí trong khối. Quy định cũng thắt chặt việc mua bán vũ khí trên mạng, cấm người dân sở hữu các loại vũ khí bán tự động. Quy định chỉ trao ngoại lệ cho những nhà sưu tập, bảo tàng, các thợ săn và vận động viên bắn súng ở Phần Lan, các nước Baltic và Thụy Sĩ, một nước không phải là thành viên Liên minh châu Âu nhưng có quan hệ chặt chẽ với khối này. Tại cuộc họp của EU nhằm thông qua dự thảo về kiểm soát súng đạn này, Bộ trưởng An ninh và Tư pháp Hà Lan Ard Van Der Steurm đã nhận định, các mối đe dọa khủng bố hiện hữu hàng ngày, đó là lý do các nước châu Âu cần hợp tác để giải quyết những lo ngại của người dân. Vì vậy, việc tiến tới cách tiếp cận chung trong việc kiểm soát súng sẽ tăng cường an ninh cho người dân EU và kiểm soát được việc sử dụng súng.

Và các vụ xả súng kinh hoàng ở Christchurch và Utrecht đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về quy định kiểm soát súng đạn cũng như sự kiên quyết của các nước trong vấn đề này nhằm ngăn chặn hiểm họa khôn lường từ những cuộc tấn công cực đoan.

Theo TTXVN