Một trong những trở ngại lớn nhất đối với người LĐ tỉnh ta khi tham gia XKLĐ đó là tâm lý e dè, ngại đi làm xa, đây chính là rào cản khiến cho công tác XKLĐ những năm trước đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Raglai. Do tập quán, thói quen chỉ làm nương, làm rẫy gần nhà, do đó việc vận động họ đi làm việc ngoài tỉnh đã là khó khăn chứ chưa nói đến đi làm việc tại nước ngoài. Từ thực tế đó, yêu cầu đặt ra là làm thế nào để thay đổi nhận thức của đồng bào đối với hoạt động XKLĐ, để họ có thể tự tin khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây chính là thách thức đòi hỏi các cấp, các ngành phải có giải pháp để giải quyết. Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho rằng: Việc tuyên truyền, vận động tham gia XKLĐ đối với người đồng bào dân tộc Raglai trước hết phải trực quan, sinh động và dễ hiểu, điều quan trọng nhất vẫn phải thực tế, người thật, việc thật. Chính vì vậy, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tư vấn XKLĐ tại địa phương, tuyên truyền đến từng xã, thôn thì không có gì hiệu quả hơn bằng việc để những người đã từng tham gia XKLĐ khi về địa phương tuyên truyền lại cho người trong xã, trong thôn. Thời gian qua huyện đã làm tốt công tác này nên số LĐ tại địa phương tham gia XKLĐ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Phiên giao dịch, tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, để thúc đẩy hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh có bước đột phá, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ người LĐ tham gia. Một trong những chính sách được xem là động lực để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đó là HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND. Theo đó, hằng năm ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 2 tỷ đồng để cho vay đối với các đối tượng là LĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người LĐ là dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng. Tuy nhiên, từ thực tế qua 2 năm triển khai chính sách này chỉ giải quyết cho vay được 8 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, với số tiền 403 triệu đồng, nguồn vốn còn tồn tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên 3,5 tỷ đồng. Trong khi đó, ngoài 5 đối tượng được cho vay theo Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND, hiện nay còn một số đối tượng khác đang có nhu cầu vay vốn để đi XKLĐ nhưng không thuộc các đối tượng nêu trên, nhất là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Từ thực tiễn trên, UBND tỉnh đã có Tờ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua việc mở rộng cho vay vốn từ ngân sách địa phương đối với các đối tượng là bộ đội, công an đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, nâng cao trình độ, tay nghề cho các đối tượng này, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho người LĐ, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, giáo dục ý thức kỷ luật LĐ nhằm tạo nguồn LĐ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường LĐ ngoài nước. Bên cạnh đó tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp XKLĐ để gặp gỡ tư vấn, tuyển LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chính vì vậy trong năm 2018 số LĐ tỉnh ta tham gia hoạt động XKLĐ đã đạt 202/120 LĐ, đạt 168,3%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Từ những kết quả khả quan trên, năm 2019 UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu đưa 150 LĐ đi XKLĐ. Riêng trong quý I-2019 toàn tỉnh đã đưa được 52 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đây là tín hiệu rất tích cực cho hoạt động XKLĐ trong năm 2019.
Thế Quang