Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân này - Giáo sư Ravindra Gupta, cho biết, sau gần 3 năm kể từ khi được ghép tế bào gốc tủy kháng HIV và hơn 18 tháng ngưng điều trị thuốc kháng virus, ngay cả những xét nghiệm nhạy nhất cũng không tìm ra virus HIV trong cơ thể bệnh nhân này.
Đây là bằng chứng cho thấy một ngày nào đó khoa học có thể chấm dứt bệnh AIDS nhưng điều này không có nghĩa là các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp điều trị HIV.
Timothy Brown, bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV
Bác sĩ Gupta mô tả bệnh nhân đã "được chữa khỏi về cơ năng" và "đã thuyên giảm", nhưng vẫn thận trọng: "Còn quá sớm để khẳng định người này đã khỏi bệnh vì có thể virus vẫn còn đâu đó nhưng không được phát hiện".
Danh tính, quốc tịch của bệnh nhân này không được tiết lộ mà được gọi là "bệnh nhân London" vì trường hợp của anh tương tự trường hợp đầu tiên, một nhân người Mỹ là Timothy Brown, được chữa khỏi HIV về cơ năng và được gọi là "bệnh nhân Berlin" do anh này cũng được điều trị bằng phương pháp tương tự ở Đức năm 2007.
Bác sĩ Gupta hiện làm việc tại ĐH Cambridge, Anh. Ông điều trị cho “bệnh nhân London” khi còn làm việc ở ĐH London. Người này nhiễm HIV năm 2003 và năm 2012 thì bị phát hiện mắc một loại ung thư máu có tên là ung thư hạch Hodgkin.
Năm 2016, tình trạng bệnh nhân rất yếu do ung thư. Các bác sĩ đã quyết định tìm nguồn tạng phù hợp vì đây là cơ hội sống cuối cùng của người này. Người hiến tạng - một người lạ - có gene đột biến gọi là CCR5 delta 32, có khả năng kháng HIV.
Theo bác sĩ Gupta, "việc ghép tủy diễn ra tương đối suôn sẻ, nhưng có một số tác dụng phụ như bệnh nhân trải qua một thời gian khó khăn để thích nghi với tạng ghép".
Hiện trên toàn cầu có 37 triệu người nhiễm HIV. Bệnh AIDS đã làm chết khoảng 35 triệu người kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1980. Các nghiên cứu về loại virus phức tạp này trong những năm gần đây đã giúp ra đời các loại thuốc có thể khống chế được virus ở đa số bệnh nhân.
Áp dụng rộng rãi?
Sau thành công của “bệnh nhân Berlin”, thành công của “bệnh nhân London” cho thấy phương pháp điều trị này có thể lặp lại trên bệnh nhân khác.
Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn cho rằng phương pháp này khó áp dụng rộng rãi để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV khác bởi vì đây là phương pháp điều trị khá đắt, nhiều rủi ro. Trước khi được ghép tủy bệnh nhân phải được hóa trị hoặc xạ trị, đây là hai phương pháp rất gây hại cho cơ thể, làm cơ thể suy yếu nghiêm trọng và có thể tử vong.
Ghép tủy cũng thường gây ra tác dụng phụ là ghép chống tủy (GvHD), có khoảng 30-60% bệnh nhân gặp GvHD cấp tính và khoảng 15-30% trong đó tử vong.
Có khoảng 50% bệnh nhân bị GvHD mãn tính và phải dùng thuốc điều trị lâu dài, chất lượng cuộc sống bị giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc tìm được người hiến tủy phù hợp có đột biến CCR5 cũng không dễ dàng.
Hiện nay, đã có nhiều loại thuốc có thể kiểm soát tốt HIV, các bệnh nhân nhiễm HIV vẫn có thể duy trì cuộc sống giống với những người không bị nhiễm, do vậy các nhà khoa học cho rằng phương pháp điều trị này hiện nay chỉ nên áp dụng cho số lượng nhỏ bệnh nhân nhiễm HIV kèm theo ung thư.
Theo www.chinhphu.vn