Ứng dụng hiệu quả
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, xuất phát từ nhu cầu thực tế người dân, doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của chính quyền địa phương, tỉnh đã triển khai xây dựng CQĐT. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 321/2017/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh Ninh Thuận với phương châm phục vụ “4 bất kỳ”, gồm: kỳ ai, kỳ thời gian, kỳ không gian; kỳ hình thức nào. Việc triển khai, ứng dụng CNTT trong xây dựng CQĐT tỉnh đã có bước phát triển, góp phần vào nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.
Công chức Văn phòng UBND tỉnh quản trị hệ thống máy chủ bảo đảm an toàn, bảo mật. Ảnh Văn Nỷ
Đến nay, hạ tầng CNTT của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng, 100% cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cấp xã đã có mạng nội bộ (LAN); 21 sở, ban, ngành và 7 huyện, thành phố đã kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước phục vụ truy cập internet và các phần mềm dùng chung tại các cơ quan, đơn vị. Hệ thống thư điện tử tỉnh hoạt động từ năm 2005 đến nay (mail.ninhthuan.gov.vn) đã trở thành phương tiện trao đổi thông tin chính thức giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước, CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh với tổ chức, cá nhân ngoài xã hội dưới dạng thư điện tử, góp phần CCHC, giảm văn bản giấy tờ, thực hiện tiết kiệm, tăng hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đến nay 4.350 CB, CC,VC các cấp trong tỉnh có hòm thư điện tử. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh đã được đầu tư xây dựng, phục vụ các cuộc họp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD.Office) được triển khai cho 100% cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, hệ thống được kết nối liên thông và gửi nhận văn bản qua lại giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đã tích hợp chứng thư số, chữ ký số. Trong năm 2018, thông qua phần mềm đã chuyển khoảng 4.829 lượt giấy mời họp; các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã số hóa trên 394.500 văn bản đến và 143.600 văn bản đi; đồng thời 100% văn bản được trao đổi qua hệ thống có xác thực chứng thư số.
Ngoài ra, năm 2018 tỉnh đã xây dựng “Cổng dịch vụ công” cung cấp 1.666 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, đạt 100% tổng số thủ tục hành chính của tỉnh đối với các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện. Trong năm, trên 20.000 hồ sơ được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến; trong quí I-2019 sẽ tích hợp vào Trung tâm hành chính công của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông đã tích hợp 47 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan Đảng, đoàn thể tạo môi trường giao tiếp, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã triển khai hệ thống wifi miễn phí tại 7 điểm trung tâm của thành phố, 100% xã và thôn điều có internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G đã phủ khắp trên toàn tỉnh. Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.
Tạo bước đột phá
Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Xây dựng CQĐT là nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các sở, ngành, đơn vị nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc, với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ và kiến tạo. Đồng thời tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lắp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế. Khi CQĐT đi vào hiện thực sẽ làm đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đây là điều được chờ đợi nhất với cộng đồng doanh nghiệp, người dân và với cả những CB, CC, VC có trình độ cao, trách nhiệm, tâm huyết trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong năm 2019, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trong Kiến trúc CQĐT tỉnh Ninh Thuận đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 321/2017/QĐ-UBND gắn với CCHC và xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả cao; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 trên phạm vi toàn tỉnh; ứng dụng sâu rộng CNTT trong hoạt động nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao... Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng truyền dữ liệu diện rộng (WAN) của tỉnh trên đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao tới 100% cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã để đồng nhất về tốc độ đường truyền và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống CQĐT tỉnh trên nhiều môi trường, như di động, máy tính bảng... để người dân có nhiều kênh tiếp cận. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, đào tạo công dân điện tử, tăng tỷ lệ người dân nắm bắt, có năng lực, sử dụng, khai thác hệ thống CQĐT. Đẩy mạnh tuyên truyền các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mà tỉnh đang triển khai để người dân biết, tự thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Duy trì có hiệu quả các điểm hỗ trợ người dân đăng ký thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Việc xây dựng CQĐT của tỉnh là hết sức cần thiết. Hệ thống dữ liệu, thông tin là nền tảng giúp công tác hoạch định chiến lược, chính sách phát triển KT-XH. Ứng dụng CNTT góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy CCHC, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động trong các cơ quan nhà nước; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Xuân Bính