Tạo đột phá từ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

(NTO) Năm 2018, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực, với điểm nhấn là xây dựng bộ tiêu chí 12 sản phẩm đặc thù để tập trung đầu tư phát triển và mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học. Việc ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu do UBND tỉnh giao có tác động tích cực đến khởi nguồn đam mê sáng tạo, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Năm qua, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh triển khai mới đều bám sát vào định hướng chỉ đạo của tỉnh đó là chú trọng xây dựng các mô hình mẫu, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng mặt hàng nông sản. Những đề tài đã thực hiện, như: Nghiên cứu ứng dụng KH&KT xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho; Nghiên cứu sản xuất nho, măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao; Ứng dụng tiến bộ KH&KT trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số… tạo đột phá thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, Công ty TNHH SX & TM nông sản Thái Thuận, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đã áp dụng công nghệ tiên tiến để bảo quản các mặt hàng đặc thù, như: nho, táo, măng tây xanh, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ khắp các thị trường trong cả nước và xuất khẩu. Trong năm, có 25 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ đổi mới công nghệ; trong đó, đáng kể nữa là hỗ trợ nông dân huyện Ninh Phước công nghệ san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng Laser phục vụ chương trình cánh đống lớn sản xuất lúa.

Mô hình trồng lan công nghệ cao ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn).

Nhờ sự “tiếp sức” của ngành chức năng, đã xuất hiện một số nông dân 4.0, mở đường cho những cách làm mới, mang lại thành quả hơn cả mong đợi. Anh Võ Văn Sơn, ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) đạt giải Nhì cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ KH&CN tổ chức với Dự án nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao là người tìm ra hướng làm ăn mới, giúp nông dân khai thác tiềm năng lợi thế biển để làm giàu. Không dừng lại đó, anh Sáu Lang ở phường Mỹ Hải (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) ứng dụng thành công kỹ thuật trồng rau thủy canh trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới phun mưa tự động, cho thấy dù trong điều kiện khô hạn, nhưng các hộ vẫn có thể làm giàu bằng việc đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Những mô hình trồng nho bằng giống mới NH01-152 ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), mô hình trồng táo phủ lưới ngăn ngừa sâu bệnh ở thị trấn Phước Dân, xã Phước Hậu (Ninh Phước), xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đạt năng suất và chất lượng cao đã khẳng định hoạt động chuyển giao KH&KT giải quyết được các vấn đề bức thiết trong sản xuất nông nghiêp ở vùng khô hạn.

Không riêng gì nông nghiệp, KH&CN cũng có đóng góp quan trọng trong phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu ở lĩnh vực tài nguyên - môi trường đã phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phòng, chống suy thoái môi trường; bảo vệ, phục hồi, phát triển các nguồn tài nguyên tái tạo; chủ động trong quá trình giám sát, dự báo, dự tính và hạn chế đến mức thấp nhất các tác động của thời tiết khắc nghiệt vùng cực Nam Trung Bộ, đề xuất được các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái và xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề tập trung. Đặc biệt, ngành KH&CN đã đề xuất biện pháp quản lý tổng thể để hạn chế quá trình thoái hóa đất, được đánh giá là rất quan trọng đối với sản xuất ở những vùng khô hạn.

Nhìn lại năm 2018 để thấy, trong điều kiện trình độ KH&CN của tỉnh còn ở mức trung bình so với cả nước, để nâng cao chất lượng các đề tài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức Ký kết thỏa thuận hợp tác về KH&CN với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, với các nội dung chính: Hợp tác về tư vấn và xây dựng tiềm lực KH&CN cao cho tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Sau ký kết, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có động thái tích cực là cử chuyên gia tư vấn cho tỉnh trong việc cung cấp cơ sở KH&CN góp phần điều chỉnh chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực KH&CN với những hình thức, cấp độ khác nhau; chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN cho tỉnh với những hình thức và cơ chế phù hợp. Trong đó, ưu tiên về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến các sản phẩm đặc thù của tỉnh, năng lượng tái tạo, công nghệ vật liệu mới trong ngành Xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm 2019, ngành KH&CN tập trung đầu tư cho những nhiệm vụ trọng điểm giải quyết các vấn đề bức thiết thuộc lĩnh vực nông nghiệp, y học, kỹ thuật công nghệ; đẩy mạnh hợp tác về KH&CN để tiếp thu công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đạt mục tiêu, ngành chức năng đề ra giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng kết quả các đề tài, dự án có hiệu quả vào sản xuất và đời sống.