Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường Tết Kỷ Hợi xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực. Bên cạnh nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, chất lượng hàng hóa được đảm bảo đã kéo theo sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 10-15% so với trước. Tết này, tại Tp. Phan Rang và các vùng ven, xu hướng mua sắm của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng ở đây đa dạng, giá cả ổn định, nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, các siêu thị cũng “tung” nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn thu hút khách hàng. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng... Ngoài ra, các mặt hàng tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền còn được trao đổi, mua bán bằng hình thức bán qua mạng, giao hàng tận nhà... đã đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và được nhiều người tiêu dùng ghi nhận việc mua sắm tết năm nay khá thuận lợi.
Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ
nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong dịp tết. Ảnh: Mỹ Dung
Trong dịp tết vừa qua, cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng đã tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng tết đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt là hàng bình ổn thông qua các chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng hóa phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa. Để chuẩn bị phục vụ tết, các doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ nguồn hàng khá lớn, tổng giá trị dự trữ hàng hóa các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh khoảng trên 530 tỷ đồng, tăng 20% so với tết năm 2018. Trong dịp tết các doanh nghiệp tổ chức 65 chuyến bán hàng lưu động tại 34 xã, thuộc 6 huyện đưa hàng hóa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; mở 9 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của người tiêu dùng, dịp tết năm nay, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng tốt, nhiều lựa chọn hấp dẫn. Các hàng bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn với nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Những ngày cận tết, giá mặt hàng gạo, nếp, dầu ăn, đường vẫn giữ ở mức ổn định; giá thịt gia súc, gia cầm tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg; nguồn dự trữ bia, nước ngọt phục vụ tết của các doanh nghiệp, các đại lý khá dồi dào do vậy mức tăng không nhiều, chỉ từ 5.000-10.000 đồng/thùng so với ngày bình thường; các mặt hàng thủy hải sản tươi sống và rau củ quả tươi tại các chợ tăng cao do hút khách, nhất là vào ngày 28, 29, 30-12 âm lịch với mức tăng từ 10 - 50%.
Mặt hàng rau củ quả tươi được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh. Ảnh: Văn Nỷ
Từ ngày mùng 3 tết, một số doanh nghiệp, tiểu thương tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân, “lấy vía” kinh doanh đầu năm vừa phục vụ nhu cầu hàng hóa của người dân. Siêu thị Co.opMart đã mở bán vào các buổi sáng từ mùng 2 đến mùng 5 và hoạt động bình thường trở lại từ ngày mùng 6. Siêu thị Vinmart bắt đầu mở cửa hoạt động bình thường từ ngày Mùng 4 Tết. Nhìn chung, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019 tình hình giá cả tương đối ổn định, hàng hoá được lưu thông thông suốt, mặc dù một số mặt hàng rau củ, trái cây, bia, thủy hải sản,… giá cả có tăng, song mức tăng tương đương với tết năm trước và không có sự đột biến làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân; không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường.
Trong suốt những ngày trước, trong và đặc biệt là sau tết, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần để người dân đón tết trong không khí vui tươi, an toàn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xử lý 133 vụ, đã xử phạt vi phạm hành chính 17 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách 169,8 triệu đồng. Trong đó, có 3 vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu, 10 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, 2 vụ vi phạm trong kinh doanh, 1 vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Tịch thu một số hàng hóa vi phạm gồm: 400 đèn led, 50 hộp sữa Ensure, 41 chai thực phẩm chức năng, 212 hộp kẹo trái cây, 8 chai dầu gội, 10 chai Rượu Shahna Zaryan, 1.490 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, ngành sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình thị trường, cung cầu, dự trữ hàng hóa thiết yếu; kiểm tra, giám sát công tác bán hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp; chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia bình ổn tiếp tục duy trì các điểm bán hàng bình ổn để kịp thời đáp ứng nhu cầu hàng hóa sau tết của người dân. Mặt khác, phối hợp Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm như: tăng giá quá mức, hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Anh Tuấn