Ông Trần Minh Khoa, Quyền Cục trưởng, Cục QLTT tỉnh cho biết: Địa bàn tỉnh ta dù không có cửa khẩu, nhưng tình hình buôn lậu và gian lận thương mại thời gian qua vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại là hàng lậu khi được tuồn vào thị trường tỉnh ta không chỉ tiêu thụ ở địa bàn thành phố, trung tâm các huyện mà còn len lỏi đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các mặt hàng được phát hiện bắt giữ chủ yếu là thuốc lá ngoại, rượu ngoại, súng nhựa, quần áo, mũ bảo hiểm..., có xuất xứ nhiều nước khác nhau. Chỉ tính riêng trong năm 2018, qua kiểm tra trên 1.000 vụ, đơn vị đã phát hiện và xử lý 122 vụ vi phạm, với tổng số tiền trên gần 900 triệu đồng. Trong đó, vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm có 16 vụ; buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có 3 vụ; vận chuyển, kinh doanh hàng nhập khẩu vi phạm về nhãn mác có 37 vụ...
Qua công tác đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả trên địa bàn tỉnh cho thấy, phương thức và thủ đoạn mà đối tượng buôn lậu thường sử dụng để đưa hàng vào địa bàn tỉnh ta đó là các đối tượng mua hàng hoá trôi nổi ở các chợ biên giới, cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung với số lượng lớn hơn số lượng ghi trong hoá đơn, sau đó ngụy trang bằng cách đóng chung các loại hàng cấm, hàng nhập khẩu trái phép xen lẫn với các kiện hàng hợp lệ khác rồi dùng xe đầu kéo container có khóa ngoài hoặc niêm phong kẹp chì để vận chuyển hàng lậu với số lượng lớn. Ngoài các thủ đoạn trên, chúng còn tinh ranh bằng cách cho người canh đường hoặc áp tải theo xe để theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng. Khi phát hiện có lực lượng QLTT hoặc Công an, chúng dùng điện thoại di động thông báo cho đồng bọn tẩu tán hàng bằng cách “tăng bo” hoặc thuê xe ôm chở hàng vào các điểm quen để gửi, gây khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng.
Với quyết tâm đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng kiếm lời, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019, ngày 19-12-2018, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-QLTT chỉ đạo các Đội QLTT và phòng chuyên môn triển khai đợt cao điểm về kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ nay đến hết ngày 22-2-2019, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 và tại các bến xe, kho hàng, các điểm tập kết hàng hóa.... Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá bán và an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp tết như bánh, kẹo, mứt, hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh, bán lẻ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận về giá, đo lường, đầu cơ, găm hàng. Bên cạnh đó, Cục QLTT còn phối hợp với các đơn vị truyền thông và đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng, doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển mua bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là các mặt hàng như pháo, rượu, bia, thuốc lá ngoại...
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019, tình hình thị trường nói chung và giá cả hàng hóa nói riêng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi khó lường. Trước thực tế này, Cục QLTT khuyến cáo đến người dân cần thận trọng khi mua hàng phải tìm hiểu, lựa chọn những hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, nếu phát hiện cá nhân, cơ sở kinh doanh có dấu hiệu buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng... thì báo ngay cho ngành chức năng để xử lý kịp thời, nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... lưu thông trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón tết vui tươi, an toàn.
Văn Thanh