Hiện đại hoá nông nghiệp-nông thôn ở xã Phương Hải

Hạ tầng nông thôn được đầu tư giúp sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng dần lên và bộ mặt nông thôn của Phương Hải đang đổi mới từng ngày

Giữa tháng giêng, chúng tôi về xã Phương Hải, miền quê lúa đang trở thành điển hình về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện Ninh Hải. Nằm ở vùng cuối kênh Bắc, Phương Hải có 405 ha đang vào vụ đông - xuân được canh tác theo hướng… hiện đại. Anh Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Hải chỉ những ruộng lúa xanh mơn mởn hơn tháng tuổi nói: “Hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa, sắp đến là dự án hệ thống giao thông nội đồng, đây sẽ là công trình hạ tầng mở đường cho Phương Hải đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp”.

Đường nội đồng và kênh cấp 3 ở Phương Hải được bê-tông hóa,
tạo thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản.

Những ngày đầu xuân này, tin vui đã đến với bà con nông dân Phương Hải, dự án bê-tông đường nội đồng từ gò Đại Phòng đến bờ tràn Cây Trôm có chiều dài 1.200 m do Ban quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào đầu quý II/2011 với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Nhìn lại quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp ở Phương Hải, sẽ thấy rõ đường giao thông nội đồng có ý nghĩa như thế nào đối với nông dân địa phương. Chị Phạm Thị Tâm, ở thôn Phương Cựu 1, có 1 sào lúa 3 vụ ở gò Cây Cóc, kể: “Mấy tháng trước, khi thu hoạch vụ mùa, người nông dân phải chở lúa ngược về hướng gò Cây Táo, xa gấp đôi đường qua ngả tràn Cây Trôm (bị cơn lũ năm 2011 tàn phá). Vì vậy khi nghe đường nội đồng sắp được bê-tông bà con rất vui”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, con đường nội đồng sắp khởi công sẽ nối liền con đường bê-tông 200 m đã có trước do Công ty TNHH MTVKhai thác công trình thủy lợi tỉnh đầu tư dọc tuyến mương chính. Từ con đường này, các phương tiện cơ giới nông nghiệp như máy cày, máy gặt đập, xe tải nhẹ sẽ dễ dàng lưu thông đến chân ruộng, phục vụ đắc lực cho nông dân.

Toàn xã Phương Hải hiện có 9 chiếc máy cày lớn, 15 chiếc máy cày nhỏ và 7 chiếc máy gặt đập liên hợp. Với số phương tiện này, đã có gần 100% trong tổng diện tích ruộng lúa cả xã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, thu hoạch đến vận chuyển. Từ khi có nguồn nước của công trình thủy lợi hồ Sông Trâu đưa về, ruộng lúa ở đây đã chuyển từ 1 vụ sang 3 vụ, đặc biệt việc áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Nếu trước đây năng suất lúa bình quân chỉ từ 4,5 đến 5,5 tấn/ha thì qua mô hình trên đã cho năng suất 6-7 tấn/ha, giảm hẳn chi phí và tăng lãi suất. Có thêm nguồn nước tưới bổ sung, Hội Nông dân xã đã tổ chức tổ đội dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi chuyên phục vụ cho bà con nông dân từ khâu tưới tiêu, chủ động giống lúa mới đến khâu làm đất và thu hoạch. Từ mô hình tổ đội này, giũa tháng 10 – 2010, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Tiến, đã chính thức ra đời làm chỗ dựa cho nông dân đầu tư sản xuất và tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ các cơ quan chức năng.

Vụ đông-xuân năm nay, trong tổng diện tích lúa đã gieo cấy ở Phương Hải, có 80 ha làm lúa giống liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Công ty cổ phần Giống cây trồng Đông Nam. Đây là mô hình đã thực hiện từ năm 2008, cho thấy người làm lúa giống đã tăng thu nhập gấp 1,5 lần so với làm lúa thịt. Ông Nguyễn Đục, nông dân thôn Phương Cựu 3, có 4 sào lúa 3 vụ đang canh tác lúa giống, giải thích với chúng tôi : “Nếu khắc phục hạn chế của giao thông nội đồng, tôi nghĩ sẽ có thêm điều kiện cho việc mở rộng diện tích sản xuất lúa giống”. Là người vận động xây dựng và nay là “cố vấn” cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Tiến, anh Nguyễn Duy Hồng phân tích: “Tuy mới thành lập, HTX đã đầu tư cho nông dân 200 triệu đồng giống và 800 triệu đồng phân bón, tôi tin rằng nếu có sự hỗ trợ thêm của nhà nước, HTX sẽ còn năng động hơn trong việc tạo mối liên kết “4 nhà” thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Phương Hải”.

Anh Phạm Văn Tiêu, Bí thư Chi bộ thôn Phương Cựu 2, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã, tình cờ gặp chúng tôi trên đồng, đã vui vẻ nói: “Hạ tầng nông thôn được đầu tư giúp sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng dần lên và bộ mặt nông thôn của Phương Hải đang đổi mới từng ngày”.

Có thể nói cùng với những thành tựu đạt được những năm qua, dự án kiên cố con đường giao thông nội đồng đang góp phần mở ra cơ hội mới cho Phương Hải tiếp tục thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.