Thuận Nam bứt phá vươn lên

(NTO) Đầu xuân, về huyện Thuận Nam, dọc theo tuyến đường mới mở từ các xã ven biển lên các xã đồng bằng, miền núi, chứng kiến cuộc sống của bà con đổi thay nhanh chóng. Nơi vùng đất cửa ngõ phía Nam của tỉnh, giờ đây đã mọc lên các công trình mang tầm thế kỷ.

Nhìn những cánh quạt của 16 trụ điện gió Mũi Dinh quay đều “gom gió” tạo nguồn điện sạch mới thấy Thuận Nam đã khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Với khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng huyện nhà trở thành vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam của tỉnh, năm 2018, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện năng động, sáng tạo trong điều hành, chỉ đạo các phòng, ban, các xã phối hợp với ngành chức năng làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án.

Khu du lịch Cà Ná. Ảnh: D.A

Trước thềm năm mới, nhân dân Thuận Nam đón nhận nhiều niềm vui mới. Bên cạnh Dự án Điện gió Mũi Dinh vừa hoàn thành chuẩn bị đấu nối hòa lưới điện quốc gia, 9 dự án điện mặt trời trên địa bàn huyện cũng được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Phát triển năng lượng sạch kết hợp với du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng của huyện nhằm biến những vùng đất khô cằn sản xuất kém hiệu quả trở thành lợi thế so sánh. Bà con ở các xã thường xuyên chịu hạn hán như Phước Nam, Phước Minh, Phước Ninh, Nhị Hà… đã thay đổi tư duy, đầu tư cho con em học hành, đủ khả năng, trình độ làm việc trong môi trường mới. Thuận Nam đang không ngừng phát triển, cứ mỗi công trình sắp hoàn thành lại có thêm những dự án mới chuẩn bị triển khai. Tập đoàn Total, Tập đoàn Siemens, Tập đoàn Vovatek và Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Việt Nam đã đề xuất với tỉnh phương án đầu tư dự án Tổ hợp điện khí Cà Ná với tổng công suất 4.500MW, nguồn kinh phí lên tới 1,2 tỷ USD, đang mở ra triển vọng lớn cho Thuận Nam bứt phá vươn lên. Nhân dân thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm, nơi dự kiến được chọn xây dựng Trung tâm Điện lực Cà Ná đang rất hồ hởi, phấn khởi, đồng thuận cao với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh.

Nhà máy Điện gió Mũi Dinh đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 1-2019.

Năm 2018, đánh dấu lĩnh vực kinh tế biển ở huyện Thuận Nam tạo được ấn tượng mạnh. Các dự án du lịch độc đáo, có tính khác biệt như “Làng Mông Cổ” với những ngôi nhà bạt nằm san sát trong Khu du lịch thể thao mạo hiểm Tanyoni ở thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh) thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Khai thác và nuôi trồng thủy sản cũng gặt hái được nhiều kết quả, sản lượng đánh bắt đạt 68.464 tấn, vượt 18,8%, tăng 3,5%; sản lượng tôm thịt 2.491 tấn, tăng 70,3% so với năm 2017. Theo đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện, đạt được kết quả đó là nhờ huyện tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản. Năm 2018, huyện đã tổ chức hạ thủy 10 tàu cá công suất lớn, tiếp tục thẩm định 2 hồ sơ cho ngư dân ở xã Phước Dinh tiếp cận vốn ưu đãi đóng tàu mới. Hoạt động khai thác thủy sản được tổ chức lại, chú trọng chuyển đổi nghề vây rút mùng theo hướng vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày. Hiện toàn huyện có 950 tàu cá, với tổng công suất gần 140.000 CV, các tàu được lắp đặt thiết bị hàng hải hiện đại, đủ điều kiện đánh bắt ở vùng khơi xa. Các xã ven biển (Cà Ná, Phước Dinh, Phước Diêm) thành lập 106 Tổ đoàn kết đánh bắt thủy sản hoạt động có hiệu quả, mô hình tiếp tục được nhân rộng, củng cố, coi trọng biên chế lực lượng dân quân trên các đội tàu làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đó, nghề chế biến hải sản cũng phát triển mạnh, tạo việc làm cho nhiều lao động, đưa lại nguồn thu lớn cho các hộ làm nghề, nhất là sản phẩm nước mắm Cà Ná chất lượng cao đã được bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm nước mắm Cà Ná chất lượng cao đã được bảo hộ
Nhãn hiệu chứng nhận. Ảnh: H.P

Với ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nông dân huyện Thuận Nam đi lên bằng thực hiện các mô hình chăn nuôi và trồng trọt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực. Trong điều kiện thời tiết khô hạn, bà con xã Phước Nam, Phước Ninh, Nhị Hà đã đồng loạt chuyển đất lúa thiếu nước sang trồng nho, táo, măng tây xanh, thực hiện mô hình cánh đồng lớn cho thu nhập cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống no đủ. Chủ trương phát triển nông nghiệp song hành chăn nuôi và trồng trọt của huyện đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ sản xuất trên địa bàn theo hướng bền vững, linh hoạt ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bước chuyển mình trong năm 2018 đã phác họa nên bức tranh kinh tế - xã hội Thuận Nam với nhiều gam màu sáng. Thêm một mùa Xuân mới lại về, bằng nỗ lực vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tin rằng Thuận Nam sẽ vững bước đi lên, hòa vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.