Không chỉ chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ giữa rừng và núi ở cung đèo Ngoạn Mục nối liền hai tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng dài 18,5 km, mà vào đầu xuân các “tay phượt” cũng bị thu hút bởi sự rộn ràng của làng nghề chổi đót, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) nằm ngay dưới chân đèo. Vào mùa xuân, bông đót nở rộ trên đèo, đó cũng là lúc bà con chặt đót về dự trữ để làm chổi. Hoa đót óng ánh khoe sắc thu hút các “dân phượt” qua đây không quên chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Thật ấn tượng khi một lần được ghé thăm làng nghề chổi đót Lâm Sơn, chị Nguyễn Thị Thanh Minh, ở tỉnh Đắk Lắk không quên lưu lại những khoảnh khắc đẹp của màu đót bằng cách chụp ảnh chung với nhóm bạn khi đi ngang qua nơi này. “Vào đầu xuân, nhóm phượt của chúng tôi thường đi du lịch ở Tp. Đà Lạt. Ngang qua đây, không chỉ dừng lại tham quan ngắm màu sắc đẹp của cây đót tươi được phơi ngoài trời, mà nhiều du khách cùng chúng tôi ghé thăm các gia đình làm chổi đót để tìm tòi, học hỏi”.- Chị Nguyễn Thị Thanh Minh, vui vẻ cho biết.
Cùng với du mục rong ruổi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đàn cừu
được chăn thả trên những cánh đồng ở xã Phước Trung (Bác Ái).
Rời cung đèo Ngoạn Mục, chúng tôi đến thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái) nơi có số lượng đàn cừu lớn nhất tỉnh, cũng là vùng “tâm hạn” trong mấy năm trở lại đây. Các chủ trang trại chăn nuôi, cho hay: Mỗi khi xuân về “dân phượt” thường đến đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của “cánh đồng cừu”, chụp ảnh chung với dân du mục. Và vẫn còn lưu luyến vào Xuân Mậu Tuất 2018, trên vùng đất khô cằn này, đã xuất hiện một cánh đồng hoa thì là rộng 4 ha, thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh.
Vào xuân, du khách đến với Ninh Thuận, có thể trải nghiệm những “đặc sản” hiếm có trên các cung đường ở Phước Bình, Phước Thành (Bác Ái), được xem là “địa chỉ vàng” miền sơn cước; cũng như con đường biển hoang sơ, hữu tình từ Cà Ná đến Bình Tiên và sự lãng mạn của bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ, tháp Poklong Garai, làng gốm Bàu Trúc, vườn nho Ba Mọi…
Giờ đây, vùng đất được mệnh danh đầy “nắng-gió” Ninh Thuận đã trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, góp phần làm “đòn bẩy” cho du lịch vươn xa trong tương lai. Sắc xuân đang tràn về, cũng là thời điểm chúng tôi có dịp theo chân một nhóm bạn ở huyện Ninh Hải chạy xe máy hướng ra cánh đồng lúa của xã Phương Hải trải dài dưới những trụ điện gió Đầm Nại. Chị Lê Huyền Nguyễn Khoa, một thành viên trong nhóm, phấn khởi: Mọi người đã lên kế hoạch từ lâu và đây là thời điểm thích hợp để “check in”, bởi lúa đã chín vàng và cánh điện gió luôn quay tít hoà quyện vào nhau, thoả sức cho các thành viên trong nhóm ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm.
Đón chào Xuân Kỷ Hợi 2019, Ninh Thuận có thêm niềm vui, khi UBND tỉnh công bố 12 sản phẩm đặc thù, trong đó; 9 sản phẩm của ngành nông nghiệp, gồm: nho, táo, măng tây, tỏi, nha đam, rong sụn, tôm giống, cừu, dê, đáp ứng người tiêu dùng trong các ngày tết. Ngoài ra còn có 3 sản phẩm tiềm năng đặc thù khác gồm: lợn đen, bò vàng, trái cây Ninh Sơn.. Và đây cũng là cơ sở để cho du khách trong và ngoài tỉnh trải nghiệm trong mùa xuân, cũng như tạo động lực cho Ninh Thuận phát triển sản phẩm đặc thù phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, những điểm du lịch vốn đã trở thành thương hiệu trong lòng du khách, như: Tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (Ninh Hải); các trang trại nho, táo (Ninh Phước); mô hình khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực của đồng bào Chăm (Ninh Phước) hay như du lịch phong cảnh sinh thái Phim trường Du Long, xã Công Hải (Thuận Bắc), mô hình Café Homestay Sun Flower kết hợp với vườn hoa hướng dương rực rỡ khoe sắc ở phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cũng đang sẵn sàng đón du khách trong những ngày xuân mới.
Phan Hiếu