Giải bài toán khó về vốn cho nông nghiệp

Cần vốn, nhưng người nông dân còn ngần ngại vay ngân hàng (NH) nên không ít người tìm đến “tín dụng đen” với mức lãi suất cao ngất ngưởng. Hiểu được điều đó, VietinBank đã có chính sách hỗ trợ, “tháo gỡ” khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp (DN).

Tìm cách tháo gỡ từ chủ trương

Trước đây, người dân phải làm rất nhiều thủ tục để chứng minh năng lực, tài sản bảo đảm (TSBĐ) mới có thể vay vốn. Kể từ khi Chính phủ đưa ra chính sách phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị giữa “bộ ba”: Nông dân – doanh nghiệp – ngân hàng, đã mở ra hướng tiếp cận vốn mới. Cho vay theo chuỗi giá trị đã trở thành giải pháp hữu hiệu, mang lại lợi ích cho cả 3 bên; từ đó giải quyết những vấn đề về vốn, phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Với hình thức sản xuất (SX) theo chuỗi này, nông dân sẽ được DN bảo lãnh thực hiện thủ tục và đưa ra phương án/dự án(PA/DA) SXKD cụ thể. Qua đó, NH có thể đánh giá hiệu quả từ PA/DA mà DN đưa ra để giải ngân, giúp bà con thuận tiện tiếp cận vốn.

VietinBank cam kết hỗ trợ tài chính tối đa cho các phương án, dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Với vai trò trụ cột, tiên phong trong triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VietinBank đã “vào cuộc” thực thi có hiệu quả chính sách này. Thực tế cho thấy, việc NH cho vay phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn vốn, hiệu quả sinh lời; trong khi người dân có những vướng mắc khi chứng minh TSBĐ.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Khối Khách hàng DN VietinBank cho biết, đối với những khách hàng (KH) khó tiếp cận vốn do thiếu TSBĐ, VietinBank chú trọng vào các yếu tố phi tài chính/tài chính và uy tín KH; đánh giá tính khả thi từ PA/DA, cân đối dòng tiền trong tương lai phát sinh từ PA/DA để đưa ra chính sách phù hợp.

Theo đó, mức và thời hạn cho vay được VietinBank xác định trên cơ sở thẩm định từng trường hợp, phù hợp với đặc điểm và tính chất của mỗi PA/DA cụ thể. VietinBank luôn cam kết hỗ trợ tài chính tối đa cho các PA/DA nông nghiệp công nghệ cao, có hiệu quả theo đúng định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Chính phủ. Có thể nói, với hình thức sản xuất theo chuỗi này, DN giữ vai trò quan trọng trong bài toán đệ trình lên NH để tiếp cận nguồn vốn.

Đại diện VietinBank cho biết thêm, DN cần chứng minh được PA/DA mà mình đưa ra phải có hiệu quả và đem lại lợi ích cho người nông dân. Thậm chí, cho vay tín chấp được hay không? Mức ưu đãi lãi suất đối với chuỗi dự án đó như thế nào?... phụ thuộc rất lớn vào DN. Nếu DN đảm bảo được những điều đó và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân thì NH sẽ rất yên tâm giải ngân cho nông dân và DN.

Đến giải pháp cụ thể

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, VietinBank tự hào là NH tiên phong triển khai hiệu quả cho vay chuỗi giá trị mới. Đặc biệt từ khi Nghị định 55/2016-NĐ-CP được ban hành, VietinBank đã nhanh chóng và nghiêm túc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo định hướng của Chính phủ và NHNN nhằm luân chuyển nguồn vốn tín dụng dành cho các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Với mong muốn phát triển nông nghiệp Việt Nam, VietinBank luôn hướng tới lĩnh vực trọng tâm như nông sản, chăn nuôi, thủy sản, hoa quả, chế biến rau củ quả...

Trong đó, VietinBank tập trung đầu tư vào các DN có khả năng dẫn dắt thị trường, từ đó đảm bảo đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân. Theo đó, VietinBank đưa ra chính sách về trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với nông nghiệp nông thôn mới là 6,5%/năm. Trong đó, đối với DA nông nghiệp công nghệ cao, lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay SXKD thông thường cùng kỳ hạn.

Đồng thời, VietinBank quy định những chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng SX hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ với mức cho vay không TSBĐ từ 70-80% giá trị PA/DA; có cơ chế phù hợp để xử lý khoản nợ (nợ xấu, nợ khó đòi) khi KH gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Đặc biệt, khi KH tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất thông thường. Không dừng lại ở đó, VietinBank còn nghiên cứu, cải tiến quy trình chính sách với sản phẩm tín dụng đặc thù cho ngành nông nghiệp; thiết kế riêng cho từng đối tượng KH chuyên biệt như: Gói sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng thủy sản, sản phẩm cho vay làng nghề truyền thống (thủ công mỹ nghệ); cho vay tín chấp trên cơ sở quản lý dòng tiền từ các hợp đồng xuất khẩu; bao thanh toán xuất khẩu, chuỗi nông nghiệp nhằm hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, tổ chức trong chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp với thủ tục nhanh gọn, TSBĐ chính là hàng hóa luân chuyển của các cá nhân, DN.

Đại diện VietinBank cũng cho biết thêm, năm 2017 VietinBank đã cho vay rộng rãi theo chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp. Đến năm 2018, VietinBank tập trung tiếp cận các DA nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay từ giai đoạn nghiên cứu, từ đó thúc đẩy cho vay đối với các DA này.

Doanh số cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của VietinBank tính đến hết 30/11/2018 đã đạt 124.668 tỷ đồng, trong đó riêng cho vay các DA nông nghiệp công nghệ cao đạt doanh số 534.365 tỷ đồng. Với sự chủ động và tích cực thực thi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; VietinBank đã lan tỏa dòng vốn, thực sự trở thành động lực phát triển trụ cột nông nghiệp - nông dân và nông thôn.

Theo www.chinhphu.vn