Qua ba năm triển khai đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện vào cuộc sống đã tạo nên bước phát triển mới trong ngành chăn nuôi gia súc địa phương. Mô hình kinh tế trang trại, gia trại đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân, tích cực góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Đàng Năng Tom, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, về phát triển sản xuất nông nghiệp được lãnh đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống nông dân địa phương. Trên địa bàn huyện hiện 16 trang trại sản xuất nông nghiệp và khoảng 1.800 hộ thực hiện mô hình gia trại chăn nuôi gia súc có sừng. Nông dân địa phương chăn nuôi 117.118 con gia súc; trong đó đàn trâu bò có 23.944 con; đàn dê, cừu có 75.400 con. Các xã, thị trấn vận động các nông hộ chuyển dịch ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ cung cấp thức ăn cho đàn gia súc có sừng với diện tích 1.279 ha, sản lượng đạt gần 76.000 tấn. Nông dân còn tận dụng nguồn rơm rạ của gần 15.000 ha lúa và thân cây bắp gieo trồng hàng năm với diện tích 2.600 ha dự trữ thức ăn cho đàn trâu bò trong những tháng mùa khô. Đồng thời với diện tích cây táo 705 ha và cây nho 445 ha cung cấp lá làm thức ăn chăn nuôi dê, cừu. Các gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Thương lái thu mua dê, cừu thịt tại chuồng hiện nay với giá 60-75 ngàn đồng/kg. Trong năm 2018, nông dân huyện Ninh Phước xuất bán trên 5.400 tấn thịt gia súc, doanh thu 556 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp.
Mô hình gia trại của nông dân huyện Ninh Phước đạt hiệu quả kinh tế cao.
Các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu Chiến binh thành lập các tổ tín dụng giúp hội viên vay vốn ngân hàng trên 600 tỷ đồng đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng và nuôi gia súc. Từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững cũng đã hỗ trợ con giống gia súc cho hàng trăm nông hộ chăn nuôi theo mô hình gia trại. Hội Nông dân huyện Ninh Phước thành lập nhiều mô hình phát triển chăn nuôi gia súc trong hội viên như tổ hội nuôi bò vỗ béo có 10 hội viên ở xã Phước Sơn; chi hội nuôi heo đen có 40 hội viên ở xã Phước Hậu; tổ hội nuôi dê vỗ béo ở xã Phước Thuận có 10 hội viên… Các tổ hội chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gia súc và liên kết cung cấp sản phẩm thịt hơi bảo đảm an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp chế biến đưa ra thị trường tiêu thụ. Ông Trần Văn Mót, là thành viên tổ liên kết chăn nuôi dê ở xã Phước Thuận cho biết: Các thành viên trong tổ liên kết tận thu lá nho, lá táo cắt cành chở về làm nguồn thức ăn dự trữ nuôi dê, cừu. Một sào nho 4- 5 năm tuổi cắt cành mỗi lứa được 800- 1.000 kg lá, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn dê, cừu 100 con/ngày. Mỗi lứa, ông Mót nuôi 15- 20 con dê đực sau 4-5 tháng cho ăn lá nho, lá táo. Khi xuất chuồng đạt trọng lượng trung bình 35 kg/con. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ mô hình nuôi dê, cừu vỗ béo giúp các thành viên trong nhóm có thu nhập trung bình 80- 100 triệu đồng/năm.
Thôn Nam Cương thuộc xã An Hải là điển hình tiêu biểu giúp nông dân thoát nghèo bền vững từ hiệu quả mô hình gia trại. Ông Trần Hợi, Bí thư Chi bộ thôn Nam Cương cho biết: Toàn thôn hiện có 182 hộ, với trên 630 nhân khẩu. Đời sống nông dân dựa vào nguồn thu nhập từ 41 ha đất trồng hoa màu kết hợp chăn nuôi gia súc vỗ béo theo mô hình gia trại. Mỗi nông hộ đều chăn nuôi từ 5- 10 bò tận dụng phụ phẩm thu hoạch từ cây trồng như đậu phọng, lá củ cải, trồng cỏ cung cấp nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc với số lượng trên 500 con. Tính đến cuối năm 2018, thôn Nam Cương chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 3,3% số hộ sinh sống ở địa phương, thấp hơn 2% so với số hộ nghèo của xã An Hải. Hoặc như ông Đàng Ngỗ là điển hình nông dân tiêu biểu vươn lên làm giàu từ mô hình gia trại ở xã Phước Hữu. Gia trại của ông có đàn gia súc 420 con, gồm 160 con bò, 250 cừu và 60 con dê sinh sản. Ông đã mua bò đực giống sind để lai tạo đàn bò vàng địa phương theo hướng “sind hóa” có tầm vóc to lớn, ngoại hình đẹp, bán giá cao. Gia đình ông có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ mô hình gia trại, bảo đảm cuộc sống ổn định. Ông xây dựng nhà ở khang trang và nuôi dạy 4 người con tốt nghiệp đại học. Ông Ngỗ tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động chăn nuôi gia súc có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp vốn cho bà con thôn xóm có điều kiện chăn nuôi gia súc, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Đàng Năng Tom cho biết thêm: Trong thời gian tới, huyện Ninh Phước tập trung đầu tư phát triển đàn gia súc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI về phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Định hướng nông dân phát triển đàn gia súc theo hướng trang trại, gia trại áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi. Chú trọng đầu tư cải tạo chất lượng con giống theo hướng nâng cao chất lượng thịt thương phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp cho cơ sở chế biến. Mở rộng diện tích trồng cỏ và tận thu phế phẩm ngành trồng trọt bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Tuyên truyền các chủ trang trại, gia trại thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các đoàn thể, chương trình mục tiêu quốc gia, các doanh nghiệp cung cấp gia súc giống cho nông dân phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại. Đây là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, tích cực xây dựng Ninh Phước đạt chuẩn các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Sơn Ngọc