Cây dây khai mọc khá phổ biến ở vùng rừng núi, bờ nương rẫy; cây tái sinh khỏe và có giá trị kinh tế cao, mọc phổ biến nhất tại xã Phước Bình. Có thể khai thác rễ cây dây khai quanh năm, dùng tươi hay phơi sấy khô hoặc dùng nấu cao dây khai chữa bệnh gút, thấp khớp, vết tụ máu bầm hoặc dùng xông chữa cảm cúm. Ngoài ra còn được dùng làm thuốc bổ máu. Hiện nay trên thị trường giá cao của cây dây khai từ 200-300 ngàn đồng/kg, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Với giá trị kinh tế cao, nên cây dây khai được người dân khai thác nhiều để nấu cao, có nguy cơ suy giảm, cạn kiệt số lượng của loài cây này.
Cây chuối mồ côi được trồng nhiều ở Phước Bình.
Trên địa bàn xã Phước Bình còn có sản phẩm chuối hạt mồ côi được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cây chuối mồ côi hoàn toàn mọc tự nhiên, không bón phân, không phun thuốc, chỉ tốn công làm cỏ, mỗi năm từ 1-2 lần, cây phát triển quanh năm. Hạt cây chuối mồ côi có rất nhiều tác dụng với những loại bệnh khác nhau như: trị sỏi thận, tiểu đường, táo bón… Vỏ quả chuối khô khi sắc uống có tác dụng lợi tiểu và chữa được chứng bệnh phù thũng hay tiểu dắt. Tại địa phương người dân bán giá 7.000 đồng/kg hạt, mỗi buồng đạt trọng lượng trên 10kg. So với cây dây khai, cây chuối mồ côi dễ trồng, sinh trưởng hơn nên được người dân quan tâm trồng và chăm sóc tốt hơn tuy nhiên cũng chỉ là tự phát.
Trước kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh, ngày 9-11-2018, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 4287/VPUB-VXNV về việc đề xuất bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Bác Ái. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công Thương và UBND huyện Bác Ái nghiên cứu để xuất kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh xem xét giải quyết theo quy định, hoàn thành trước ngày 20-11-2018 n
Ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Triển khai Thông báo số 340/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ rà soát cây dược liệu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, mới đây đơn vị đã phối hợp với các ngành, địa phương liên quan khảo sát thực trạng về cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây dây khai và chuối mồ côi ở xã Phước Bình. Qua khảo sát cho thấy: Do kinh tế đem lại lớn nên những năm gần đây, tình trạng khai thác, buôn bán cộng với khí hậu khô hạn, khắc nghiệt nên 2 loại cây dược liệu trên tái sinh kém, có nguy cơ dần cạn kiệt, cần được ưu tiên bảo tồn. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, để duy trì và nhân rộng mô hình cần có sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp.
Cụ thể, sản phẩm sau khi thu hái và khai thác của người dân chủ yếu bán cho tư thương thu gom và vận chuyển để tiêu thụ tại các địa phương khác. Giá cả bấp bênh, không ổn định đầu ra gây khó khăn cho người dân khi đầu tư phát triển các loại cây dược liệu này; sản phẩm chế biến và sử dụng cây dược liệu còn mang tính tự phát, manh mún, chưa trở thành sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, tình hình khai thác, buôn bán các loại dược liệu tự nhiên này chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt. Tỉnh cũng chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh chưa có tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo về mặt pháp lý để bảo trợ, thu mua và sơ chế các loại dược liệu trên làm thuốc chữa bệnh...dẫn đến các loại dược liệu quý này chưa được quan tâm đầu tư bảo tồn và khai thác giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Lê Thanh Hùng, cho biết thêm: Để bào tồn, khai thác giá trị kinh tế của cây dược liệu nói chung, cây chuối mồ côi, dây khai nói riêng, ngành đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Bác Ái tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển và bảo tồn nguồn gen cây chuối mồ côi và dây khai, đẩy mạnh công tác giao rừng khoán quản cho người dân theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu thành phần và công dụng của cây dược liệu dây khai và chuối hạt mồ côi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, triển khai thực hiện…liên quan đến phát triển sản xuất cây dược liệu; Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung liên quan tới hoạt động xúc tiến thương mại; Sở Y tế rà soát, cấp phép và quản lý các cơ sở thu gom, sơ chế và kinh doanh sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn…
Tiềm năng phát triển cây dược liệu nói chung và sản phẩm cây dây khai, Chuối mồ côi tại xã miền núi Phước Bình là rất lớn. Để quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững hai loại dược liệu đặc thù trên, các ngành chức năng sớm vào cuộc, khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, triển khai những giải pháp đồng bộ, mang tính tổng thể phù hợp với thực tế địa phương. Qua đó, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các cây dược liệu trong việc bảo tồn, khai thác giá trị thuốc, kinh tế của cây dược liệu, không chỉ tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, cải thiện việc chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả mà còn tạo cơ hội cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng thu nhập. Đồng thời, cần chấn chỉnh hoạt động thu mua, khai thác cây dược liệu trong tự nhiên theo hướng bảo tồn và phát triển; có những chính sách ưu đãi đối với việc quy hoạch vùng chuyên canh, phát triển trồng cây dược liệu tại địa phương.
Xuân Bính