Có được kết quả trên, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh triển khai đó là đẩy mạnh cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục các điểm đen giao thông, góp phần đẩy lùi TNGT trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra trên các tuyến đường bộ, yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ triển khai thực hiện bảo đảm giao thông trong các ngày lễ, tết. Phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ IV.1, đơn vị quản lý đường bộ trên tuyến quốc lộ 1A tổ chức kiểm tra, rà soát, kiến nghị, xử lý những bất cập về tổ chức giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, qua đó phát hiện những bất cập về giao thông có khả năng gây mất ATGT để lên các phương án khắc phục, sửa chữa nhằm hạn chế tối đa TNGT. Tổ chức rà soát, khắc phục, sửa chữa, kịp thời các điểm đen, các vị trí có nguy cơ xảy ra TNGT cao. Bổ sung, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các biển báo hiệu đường bộ còn thiếu trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện; các vị trí giao cắt với tuyến quốc lộ. Khắc phục, sửa chữa những đèn chiếu sáng bị hư hỏng; kiểm tra, dọn dẹp cây xanh bị ngã đỗ, che khuất tầm nhìn tại các ngã ba, ngã tư để tránh va chạm xe cộ, đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông qua lại. Điển hình như: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao giữa đường tỉnh 709 và quốc lộ 1A tại Km1572+160 xã Phước Ninh; đèn cảnh báo giao thông tại Km1582+850 trước cổng Trường TH Lạc Tiến xã Phước Minh (Thuận Nam); Đèn cảnh báo giao thông tại ngã ba Tân Hội; Đèn tín hiệu giao thông tại ngã năm Phủ Hà (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); kiến nghị điều chỉnh mở rộng nút giao và di dời hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại ngã ba Phú Quý (Ninh Phước); lắp đặt hộ lan phòng hộ hai bên cầu Văn Lâm thuộc tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải (Thuận Nam)... Phối hợp với Ban quản lý Dự án 8 triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT trên đường 21 Tháng 8 (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) hiện đang sửa chữa, nâng cấp... nên luôn đảm bảo hoạt động giao thông liên tục.
Tuyến đường 21 Tháng 8 thường xuyên quá tải, đang trong giai đoạn sửa chữa, khắc phục
nhằm đảm bảo ATGT. Ảnh: Thế Quang
Song song đó, triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế TNGT đường sắt. Cụ thể, địa phương đã kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam đẩy nhanh phương án cải tạo đường ngang tại ga Hòa Trinh để chống ùn tắc giao thông tại khu vực này và nâng cấp hình thức phòng vệ các đường ngang hợp pháp theo kế hoạch đã được duyệt; làm gồ giảm tốc tại 17 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang hợp pháp); xây dựng kế hoạch về lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt giai đoạn 2014 - 2020, trong đó đóng lại toàn bộ các lối đi dân sinh mở trái phép thuộc tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh cũng thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT tại điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn, thường xuyên kiểm tra, rà soát không để phát sinh thêm các lối đi tự mở; tiếp tục duy trì 2 điểm gác cảnh giới tại đường ngang Km1400+775, xã Xuân Hải và đường ngang Km1433+637, xã Cà Ná có lưu lượng phương tiện tham giao thông cao…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 154 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 49 người, bị thương 184 người, thiệt hại tài sản 1,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2017 giảm cả 3 tiêu chí: số vụ giảm 62 vụ (-28,7%); số người chết giảm 2 người (-3,92%); số người bị thương giảm 92 người. Tuy nhiên, tình hình TNGT tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do TNGT chỉ giảm 3,92%. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2018 quyết tâm giảm cả 3 tiêu chí về TNGT từ 5%-10%.
Đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Ban ATGT tỉnh, cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, trong những tháng cuối năm cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời đề ra các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT, bảo đảm trật tự ATGT cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; luôn xem công tác đảm bảo trật tự ATGT là một trong những nhiệm chính trị quan trọng, thường xuyên. Các Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu thi công công trình giao thông trên địa bàn, tuyến đường quản lý thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm ATGT khi thi công trên các tuyến đường đang khai thác; kịp thời sửa chữa, khắc phục các đoạn đường hư hỏng; phát quang những đoạn đường bị che chắn tầm nhìn; bổ sung, lắp đặt đầy đủ các biển báo về giao thông đường bộ ở những đoạn đường thường xảy ra TNGT; tăng cường công tác quản lý vận hành hệ thống điện chiếu sáng; duy trì kiểm tra, nạo vét hệ thống cống rãnh, hố thu hệ thống thoát nước. Tiếp tục phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ trên tuyến quốc lộ 1A, sở, ban, ngành, địa phương liên quan để tổ chức rà soát, kiến nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam về những bất cập trong tổ chức giao thông trên tuyến nhằm đảm bảo cho người dân và phương tiện lưu thông qua lại được an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, cương quyết không để phát sinh thêm các đường ngang trái phép, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp trong việc bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Xuân Bính