Tỉnh ta có 27 xã, thuộc 6 huyện, với trên 180.000 người là đồng bào DTTS và miền núi cư trú; trong đó, 14 xã nằm trong danh sách khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) và 13 xã thuộc khu vực II. Theo đánh giá, vùng dân tộc và miền núi ở tỉnh ta là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại và du lịch, với nhiều sản phẩm đặc thù, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân trong vùng. Từ những thế mạnh đó, nhiều năm qua, bằng nguồn lực huy động được, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi. Đối với trồng trọt, nhờ thực hiện tốt Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả, giảm tỷ trọng cây lương thực nên đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Qua đó, đã khai thác tối đa lợi thế của vùng khí hậu khô hạn để phát triển nông nghiệp miền núi bền vững. Riêng trong những tháng đầu năm 2018, khu vực miền núi đã chuyển đổi bền vững hơn 750 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả, cây trồng cạn cho thu nhập cao, như: Đậu xanh, bắp lai, bưởi. Đi kèm với đó, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ cao cũng đã được áp dụng và đang từng bước đưa vào triển khai nhân rộng, nhằm thay đổi dần tập tục canh tác lạc hậu của đồng bào DTTS hướng đến cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực chăn nuôi, cơ cấu chuyển dịch cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể với hình thức phát triển mạnh theo hướng quy mô trang trại (đã đạt 52 trang trại).
Nông dân huyện Bác Ái mở rộng diện tích trồng bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M
Để phát triển toàn diện kinh tế ở khu vực miền núi, định hướng về công nghiệp cũng được quan tâm. Đáng chú ý là từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 14/26 dự án điện mặt trời tại các xã miền núi trên địa bàn huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam và Ninh Phước, với tổng số vốn trên 19.345 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số dự án công nghiệp chế biến như: Nhà máy chế biến muối công suất 40.000 tấn/năm (xã Bắc Sơn); xưởng sản xuất gạch Nam Châu Sơn Block, công suất 7-9 triệu viên/năm (xã Công Hải); Công ty CP Dệt May Quảng Phú giai đoạn 2 (xã Quảng Sơn)…đã được triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là những dự án sẽ góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra, ở lĩnh vực du lịch cũng có chuyển biến với việc hình thành nhiều khu du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với phát triển làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho người dân bản địa cải thiện thu nhập đáng kể.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Ngô quyền (Bác Ái) ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và giảng dạy.
Song song với đầu tư phát triển mạnh về kinh tế, công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện khá đồng bộ, các chính sách hỗ trợ dành cho khu vực miền núi luôn được quan tâm kịp thời: Giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô trường lớp tăng nhanh, công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học sơ sở luôn được duy trì và củng cố tại 27/27 xã, góp phần nâng cao thành tích học tập của con em miền núi, nhất là con em đồng bào DTTS; Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện đạt kết quả cao. Tính riêng giai đoạn 2016 – 2018, đã đào tạo nghề cho hơn 4.000 thanh niên nông thôn, giải quyết việc làm mới cho 16.500 người; công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, thể dục thể thao phục vụ tinh thần cho người dân được chú trọng... Trong giai đoạn 2016 – 2018, từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và các nguồn lực khác, tỉnh đã huy động trên 1.118 tỷ đồng để đầu tư cho công tác giảm nghèo tại vùng miền núi. Nguồn vốn được phân bổ đồng đều, tập trung phát triển có hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi được cải thiện từng bước…
Tuy đã có những kết quả đáng mừng, nhưng cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là, việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế nhất định. Qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tại một số địa phương cho thấy, có nhiều tiêu chí đề ra thực hiện theo lộ trình của Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 23-8-2016 khó đạt. Ngoài nguyên nhân khách quan thì việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các địa phương chưa tốt; nhiều chương trình, dự án chưa phát huy được hiệu quả; một số nguồn vốn huy động đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm. Để kinh tế-xã hội khu vực miền núi thực sự phát triển bền vững, tạo được sự đổi thay mạnh mẽ, các cấp chính quyền, sở, ngành, cần phải đề ra giải pháp sớm khắc phục những hạn chế.
Nguyễn Sơn