Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, NHCSXH tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để huy động vốn và đầu tư tín dụng phù hợp. Với sự nỗ lực trong chỉ đạo thực hiện của Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp, đến hết tháng 9, nguồn vốn Trung ương thực hiện đạt 99,2%, nguồn vốn địa phương đạt 82%.
Nhờ được vay vốn NHCSXH đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình ông Mang Năm,
ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước) vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, để đảm bảo đủ nguồn vốn cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay khắc phục khó khăn, NHCSXH tỉnh đã tích cực trình Trung ương phân bổ thêm 251 tỷ đồng; cho điều chỉnh giảm chỉ tiêu học sinh, sinh viên chuyển sang cho vay các các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và cho vay vùng khó khăn 24 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn địa phương cũng đã chuyển sang cho đơn vị trên 5,1 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên đã được Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhờ đó đến nay đã hoàn thành đạt 92,85% chỉ tiêu tăng trưởng được giao.
Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh chia sẻ: Nhờ linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết các thủ tục, hồ sơ, trong 9 tháng năm 2018, tổng doanh số cho vay của đơn vị đạt 688,172 tỷ đồng, tăng 148,572 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; nâng tổng dư nợ đến 30-9 đạt 1.994,398 tỷ đồng, tăng 257,381 so với cùng kỳ, đạt 92,85 kế hoạch tăng trưởng và đạt 99% kế hoạch năm. Trong tổng dư nợ nêu trên, hiện nay 4 hội, đoàn thể đang quản lý dư nợ nhận ủy thác 1.992,345 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, với 1.635 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong số này, Hội Phụ nữ có tỷ lệ dư nợ nhận ủy thác cao nhất chiếm 46,8%; tiếp đến là Hội Nông dân chiếm 25%; Đoàn Thanh niên chiếm 16,5% và Hội Cựu chiến binh chiếm 11,6%.
Qua kết quả kiểm tra, giám sát nội bộ của NHCSXH cho thấy, các đơn vị nhận ủy thác chấp hành tốt các quy trình thủ tục nghiệp vụ về tín dụng, hạch toán kế toán kịp thời; việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đều được NHCSXH tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp các ngành tổ chức thực hiện đảm bảo đúng yêu cầu, đúng chủ trương, góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh vẫn còn khá cao. Tính đến thời điểm 30-9, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh còn trên 25 tỷ đồng, tăng 1,521 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1,25% trên tổng dư nợ (toàn quốc 0,82%). Trong đó, nợ quá hạn 8,946 tỷ đồng, tăng 149 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 0,45% tổng dư nợ; nợ khoanh trên 16 tỷ đồng, chiếm 0,81% (toàn quốc 0,4%), tăng 2,768 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,427 tỷ đồng so với đầu năm. Một số địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn tăng, gồm: Ninh Phước tăng 94 triệu đồng, Ninh Sơn tăng 225 triệu đồng, Thuận Bắc tăng 29 triệu đồng.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, từ nay đến cuối năm, NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện phối hợp Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp và các hội, đoàn thể nhận ủy thác phát huy vai trò tham mưu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Tiếp tục triển khai công tác đối chiếu, phân loại nợ; rà soát hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là các tổ có chất lượng trung bình và yếu để có giải pháp củng cố. Tham mưu Ban Đại diện Hội đồng quản trị tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nợ rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã. Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay nâng cao nhận thức, chấp hành tốt chính sách tín dụng ưu đãi..., phấn đấu đến cuối năm giảm nợ quá hạn ít nhất bằng mức bình quân của toàn quốc.
Văn Thanh