Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận: Đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng chung của ngành trong 9 tháng trước hết phải kể đến lĩnh vực công nghiệp (CN), với tổng giá trị sản xuất 4.716 tỷ đồng, tăng 12,75% so cùng kỳ và đạt 70,8% kế hoạch. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 4.142 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 88% toàn ngành) tăng 12,8%; công nghiệp khai khoáng ước đạt 225,7 tỷ đồng, tăng 45,2%; phân phối điện tăng 12,2% so cùng kỳ; năng lực mới (sản xuất điện gió) đạt 18 triệu kwh, chiếm 1,75% sản lượng điện sản xuất trên địa bàn. Kết quả trên đã góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) 9 tháng tăng 9,77% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 38,56%; công nghiệp chế biến tăng 10,9%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải... tăng 7,3%.
Đối với hoạt động thương mại, nhìn chung trong 9 tháng qua phát triển tương đối mạnh, trong đó doanh thu các nhóm: lương thực - thực phẩm; dịch vụ kinh doanh bất động sản; khách sạn, nhà hàng; vật phẩm văn hóa và giáo dục; đồ dùng, trang thiết bị gia đình và nhóm đá quý, kim loại quý tăng khá cao. Nguyên nhân, nhờ hệ thống các chợ, siêu thị ngày được đầu tư mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại, bên cạnh đó do nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân tăng cao, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đạt 14.746,4 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, đạt 70,22% kế hoạch năm. Trong đó, thương nghiệp đạt 11.274,4 tỷ đồng, chiếm 76,45%, tăng 13,57%; khách sạn - nhà hàng và du lịch lữ hành đạt 2.211,9 tỷ đồng, chiếm 15,0%, tăng 14,72%; dịch vụ đạt 1.260,1 tỷ đồng, chiếm 8,55%, tăng 13,05% so với cùng kỳ 2017.
Đáng ghi nhận là hoạt động xuất khẩu đã bắt đầu có sự khởi sắc trở lại. Trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 61,09 triệu USD, tăng 21,7% so cùng kỳ và bằng 71,9% so kế hoạch. Trong đó, hạt điều nhân ước đạt 31,2 triệu USD, tăng 7,4%; thủy sản ước đạt 27,2 triệu USD, tăng 41,8%; các mặt hàng như thủ công mỹ nghệ chỉ đạt 0,15 triệu USD, tăng 4,9%; hàng dệt may ước đạt 2,55 triệu USD, tăng 38,3%. Thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Mỹ, Anh, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Nhật, Pháp... Theo Sở Công Thương, quý IV-2018 là dịp các nước trên thế giới vào mùa lễ hội nhiều (giáng sinh, Tết dương lịch...), do vậy hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đang tập trung đẩy mạnh sản xuất phục vụ các đơn hàng đã ký kết, vì thế dự báo cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 85 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017 là có thể khả thi, đúng theo kịch bản tăng trưởng đề ra.
Điện lực Ninh Thuận nỗ lực bảo đảm cung nguồn điện ổn định cho khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ.
Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở Công Thương trong 9 tháng qua cho thấy, không riêng gì sản xuất CN, thương mại mà một số lĩnh vực như quản lý nhà nước về điện năng, thu hút đầu tư dự án, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, “Đưa hàng Việt về nông thôn”… cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động khuyến công được quan tâm đẩy mạnh. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ khuyến công quốc gia, từ đầu năm đến nay đơn vị đã hỗ trợ 850 triệu đồng cho 4 doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất CN chế biến. Đối với khuyến công địa phương đã phê duyệt kế hoạch gồm 5 đề án, đến nay đã hoàn thành 3/5 đề án. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục được tăng cường, trong 9 tháng Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xử lý 836 vụ, tăng 41% so cùng kỳ, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu giữ và tiêu hủy nhiều hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả…; tổng số tiền thu nộp ngân sách 623,53 triệu đồng.
Để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra của năm 2018, trong 3 tháng cuối năm, Sở Công Thương tập trung vào các nhóm giải pháp: Đối với lĩnh vực CN, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy cao nhất năng lực các sản phẩm hiện có. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, làng nghề. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án như: Nhà máy chế biến nước mắm CaNa, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Agitech; các dự án năng lượng như: Điện mặt trời Bim 1, Bầu Ngứ, BP Solar, Vịnh Nha Trang, điện gió Mũi Dinh, Trung Nam, Đầm Nại... triển khai đúng tiến độ. Phối hợp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu CN: Du Long, Cà Ná gắn xây dựng cảng biển và trung chuyển xăng dầu để tăng năng lực sản xuất mới. Đôn đốc Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030. Tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo” của cả nước. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về cơ chế hỗ trợ và quản lý hoạt động khuyến công để thúc đẩy phát triển CN. Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ liên quan trong việc quản lý dự án năng lượng và hỗ trợ dự án triển khai xây dựng trên địa bàn.
Về lĩnh vực thương mại, tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường, đôn đốc tiến độ dự án đầu tư xây dựng Chợ trung tâm huyện Thuận Bắc hoàn thành theo kế hoạch; phối hợp với các sở liên quan hỗ trợ thủ tục hình thành Tổng kho Xăng dầu Cà Ná. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; Đề án xã hội hóa xây dựng chợ thực phẩm sạch tại các huyện, thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại nhằm hạn chế chống thất thu ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực xăng dầu; kiểm tra việc niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng nâng giá, đặc biệt tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường trong các dịp lễ, các thời điểm nhạy cảm của thị trường. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, tăng cường tổ chức kết nối thông tin cung cầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của tỉnh trên thị trường các khu vực trong nước..., nhằm tăng sức mua trong dân để tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, hướng đến tăng trưởng bền vững.
Văn Thanh