Đưa con đến lớp mỗi ngày
Như con, mẹ cũng “thưa thầy”, “chào cô”
Chiều qua bố đón, tình cờ
Con nghe bố cũng “chào cô”, “thưa thầy”
Cả nhà đi học, vui thay !
Hèn chi điểm xấu buồn lây cả nhà
Hèn chi mười điểm hôm qua
Nhà mình như thể được…ba điểm mười.
(Tiếng Việt, lớp 3, tập 2)
CAO XUÂN SƠN
------------------------------
LỜI BÌNH:
Đã có bao giờ bạn nghe ai kể chuyện về một gia đình gồm cả bố, mẹ, rồi cả các con nữa cùng đi học, mà tại một trường tiểu học mới hay, mới lạ! Không thể tin nổi? Hay đây là một chuyện cổ tích, chuyện vui đùa? Chuyện lại có thật 100% đấy, chứ chả dính dáng gì tới cổ tích hay một chút bông đùa nào. Nói vậy chắc hẳn bạn vẫn chưa tin? Thì đây, bạn vui lòng cùng tôi, lật giở sách Tiếng Việt, lớp 3, và cùng đọc: “CẢ NHÀ ĐI HỌC” nhé, bài thơ của chú Cao Xuân Sơn viết cho thiếu nhi, nhân sắp bước vào năm học mới.
Đưa con đến lớp mỗi ngày
Như con, mẹ cũng “thưa thầy”, “chào cô”
Chiều qua bố đón, tình cờ
Con nghe bố cũng “chào cô”, “thưa thầy”
Cả nhà đi học, vui thay !
Hèn chi điểm xấu buồn lây cả nhà
Hèn chi mười điểm hôm qua
Nhà mình như thể được… ba điểm mười.
“Thưa thầy”, “chào cô” là lời chào của các cậu, cô bé mỗi lần gặp thầy, cô giáo của mình. Ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô mà các bé ngoan, hớn hở mỗi lần được cô giáo tặng những bông hồng tươi đỏ, gắn vào quyển vở xinh xinh vào dịp cuối tuần, cuối tháng. Có lẽ chuyện bé ngoan như thế đã trở thành bình thường của cuộc sống hàng ngày. Nhưng với trẻ thơ, (qua con mắt của nhà thơ) chẳng đơn giản thế. Nhờ vậy, mới sáng tạo nên chuyện hay, hơn thế nữa, thơ hay.
Tại sao gặp thầy, cô giáo của bé, mà bố, mẹ bao giờ cũng vui vẻ nhẹ nhàng: “thưa thầy”, “chào cô”. Thế thì bố và mẹ đều y như bé, chẳng khác bé tí tẹo nào rồi. Sao lại có chuyện “lạ” như thế được! Vậy là thế nào…? Bé âm thầm thắc mắc. Và một cuộc chạy maratong tìm kiếm, âm thầm…
Điều thật khó hiểu mà thật thú vị ấy, dần dần rồi sẽ được hé lộ.
Cao Xuân Sơn, nhà thơ rất cảm tình, yêu mến tuổi thơ sẽ cùng bé, cùng độc giả giải đáp câu chuyện ấy theo một cách rất thi vị, rất – Thơ.
Đến trường, bố, mẹ dồn tất cả yêu thương cho bé. Đưa rồi đón, đi rồi về. Khi mẹ đưa, lúc bố đón, chẳng ngày nào khác ngày nào.
Mỗi lần gặp thầy, gặp cô giáo của con, bố, mẹ đều chào cô, thưa thầy thành tâm, kính trọng. Nếp đẹp đã trở thành bình thường đó, nhưng lại được đẩy lên thành chuyện "bất thường", hơn thế, trở thành một “vấn đề”, vấn đề quan trọng, qua con mắt nhìn trẻ thơ của bé!
Bố chào cô, thưa thầy, rồi mẹ cũng thưa thầy, chào cô. Đích thị bố, mẹ mình cũng như mình rồi, chẳng khác gì mình, thế thì đều là “học trò”, đến trường học cả thôi… đúng thật rồi, “Eureka” !
Chẳng chần chừ gì nữa, bé reo lên: Cả nhà đi học, vui thay!
Từ sự việc cụ thể, bé trở thành nhà khoa học trẻ tuổi phát hiện ra phép mà ta gọi là quy nạp!
Ngay sau đó, cái độc đáo là “Cả nhà đi học” lại được trở thành câu chủ đề để “diễn dịch” cho nội dung nói đến ở phần sau. Vì cả nhà đi học nên chi điểm số của bé thế nào đều phải được chi phối, ảnh hưởng đến niềm vui, nỗi buồn lây sang bố, mẹ, lây rộng ra cả nhà.
Chữ “hèn chi” nói rõ điều đó. Hèn chi nghĩa là vì thế, cho nên.
Bé bị điểm xấu bé buồn thôi chứ, sao lại buồn lây sang cả nhà? Bé được điểm 10, chỉ một mình bé vui thôi chứ, cớ sao lại được nhân lên thành ba điểm 10? Đó là gì, nếu không phải là cả bố mẹ nữa cùng vui và cùng đi học? Lập luận của bé chẳng phải đúng 100% như đinh đóng cột còn gì!
Bé nhận được điểm 10, vì ngoan, vì chữ viết nắn nót, chữ o tròn như quả trứng gà, nét đậm, nét nhạt, nét uốn lượn dẻo mềm như bé múa… Thế là bố rồi mẹ nữa cười tươi như hội, cùng cười vui, ăn mừng, thế thì chả phải từ 1 điểm 10, được nhân lên thành 3 điểm 10 hay sao? Và sẽ thành 4 rồi 5, 6 điểm 10 nếu có anh chị, ông bà nội, ngoại của bé nữa cơ!
Niềm vui, náo nức này không thể có chữ nào hay hơn, thay thế được chữ vui thay của tác giả, cả nhà đi học vui thay.
Hiểu bé, thương bé, hòa chung niềm vui cùng với bé, tác giả mới reo, mới thăng hoa con chữ, mới thăng hoa thơ !
Thì đúng như thế, với bé, có niềm vui nào hay hơn được tới trường? Được thầy đón, cô đưa, nào được học bài hát mới, bé lại biết chuyện cô Tấm thảo hiền, nào ông Tiên tốt bụng tóc bạc, rồi lại được làm tính cộng, tính trừ, được chạy nhảy, hát ca, còn mong đợi, ước mơ nào hơn?
Với bé, chỉ biết có vui thôi, đến trường có các thầy, cô giáo, bạn bè. Vượt lên trên tất cả lại được cả nhà cùng vui cùng đi học nữa, đích thị bé là người hơn ai hết nhận được niềm vui nhất trên đời này rồi vậy!
Có hạnh phúc, tương lai nào hơn, khi chúng ta cùng nhập cuộc: Cả nhà cùng đi học và cả xã hội cùng đi học với bé như ý thơ gợi mở của nhà thơ Cao Xuân Sơn.
Thái Hà