Huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

(NTO) Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), qua đó giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm và giảm 4% huyện nghèo, xã khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn đến năm 2020, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lực cho chương trình này. Trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tích cực nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của nhà nước đã giúp nhiều hộ dân
ở huyện Bác Ái vươn lên thoát nghèo.

Một điểm đáng ghi nhận trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua là tập trung đầu tư cho các xã, thôn khu vực khó khăn, qua đó phát huy sức mạnh nội lực để phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2018 trên 59,5 tỷ đồng, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo Bác Ái theo Chương trình 30a trên 32 tỷ đồng, trong đó thực hiện xây dựng các công trình đường giao thông nội đồng, nội thôn, nhà văn hóa thôn, hệ thống điện sinh hoạt khu dân cư, mở rộng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, xây dựng các phòng học. Dự kiến năm 2018, huyện Bác Ái thực hiện xây dựng và bàn giao 20 công trình mới. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Trong đó với 12 mô hình được cấp kinh phí, mỗi mô hình là 300 triệu đồng, chủ yếu đầu tư vào các mô hình nuôi bò, dê sinh sản và vỗ béo, nuôi gà thả vườn, mô hình trồng bắp lai, mì cao sản với các đối tượng hưởng lợi chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Đối với Chương trình 135 về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2018 tổng kinh phí cấp cho chương trình này 25,8 tỷ đồng, trong đó các địa phương đã triển khai thực hiện 41 công trình, tập trung vào các lĩnh vực y tế, trường học, giao thông, chợ… UBND các huyện đã phân bổ vốn cho cấp xã làm chủ đầu tư thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo gồm nuôi bò vỗ béo và nuôi dê sinh sản. Bên cạnh đó dự kiến sẽ tổ chức, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng với 28 lớp/1.344 học viên, đồng thời tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình cây trồng, vật nuôi… Song song đó tỉnh ta cũng chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với kinh phí 369 triệu đồng được phân bổ cho huyện Ninh Sơn và huyện Ninh Hải, nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí 300 triệu đồng được phân bổ cho huyện Ninh Phước.

Không chỉ tập trung cho các chương trình, dự án giảm nghèo, tỉnh cũng ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, vay vốn… Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã cấp 180.268 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống vùng KT-XH khó khăn và người sống vùng đặc biệt khó khăn. Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo được triển khai ở các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh; Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 2.465 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền trên 68,7 tỷ đồng; 3.054 lượt hộ cận nghèo vay trên 88,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ pháp lý, xây dựng Quỹ Vì người nghèo, chính sách miễn giảm học phí… Ngoài các chính sách trên, các chính sách an sinh xã hội khác cũng được quan tâm thực hiện kịp thời, nhằm giúp cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, Đề án 406 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo huyện Bác Ái và Chương trình hỗ trợ bò cho các xã vùng ven biển của Bộ đội Biên phòng bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo.

Đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới các ngành, các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời vận động người nghèo chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Song song đó tỉnh cũng sẽ tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển KT-XH ở các huyện, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn; tiếp tục nhân rộng, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả; rà soát và phân loại hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng, từ đó đưa ra giải pháp, cách làm phù hợp để giảm nghèo bền vững.