Hiệu ứng tích cực từ đầu tư
Thực hiện Nghị quyết số 31, năm 2016 của Quốc hội, triển khai chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho tỉnh Ninh Thuận phát triển 2.000 MW điện năng lượng mặt trời bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020. Thực hiện chủ trương này, đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho 47 dự án điện mặt trời được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có 22 dự án đã được bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 1.449 MW. Tính đến cuối tháng 7-2018, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 27 dự án với tổng quy mô công suất 2.023 MW, trong đó có 12 dự án, với tổng công suất 968 MW đã tổ chức khởi công, thi công xây dựng; các hạng mục công trình khác, các dự án còn lại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn tất các thủ tục pháp lý để đảm bảo điều kiện khởi công trong tháng 8-2018.
Các dự án điện năng lượng tái tạo đi vào hoạt động góp phần
vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc các dự án điện năng lượng sạch triển khai với tiến độ khá nhanh đã góp phần tác động thay đổi về kinh tế - xã hội khá rõ nét tại các địa bàn thực hiện dự án, hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, các chính sách an sinh xã hội được các nhà đầu tư chung tay đồng hành cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương để hỗ trợ giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân vùng dự án. Ông Trương Xuân Vỹ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án điện năng lượng tái tạo, trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao chỉ số PCI, tạo môi trường thuận lợi nhất thu hút đầu tư. Đồng thời rà soát, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án, ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại để tham gia đầu tư các dự án; có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cần sự quan tâm kịp thời từ Trung ương
Để thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, tỉnh ta đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, năng lượng cũng như hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu dịch vụ chuyên sâu ngành điện phục vụ các dự án điện trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có kế hoạch và phương án đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Do hệ thống lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ việc phụ tải phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu giải phóng hết công suất các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm xem xét điều chỉnh tăng giá điện gió hiện nay và xem xét kéo dài thời gian áp dụng chính sách giá điện mặt trời tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Với điều kiện tự nhiên và kết cấu hạ tầng hiện có, Ninh Thuận đang nỗ lực khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo; đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên lĩnh vực này. Với sự nỗ lực của tỉnh và quyết tâm của các nhà đầu tư cùng sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân trong tỉnh, Ninh Thuận sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Anh Tuấn