Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm chỉ số giá tăng, trong đó cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,34%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,64%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,81%.
Người tiêu dùng mua đồ dùng gia đình tại siêu thị VinMart. Ảnh Văn Nỷ.
Nguyên nhân làm các nhóm hàng kể trên tăng là do mức đóng bảo hiểm y tế cho công chức nhà nước và cho người lao động tự do tăng 6,92% do lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ. Mặt khác, giá thịt heo hơi đang tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi không xuất chuồng, nguồn cung ít nên giá thịt bán tại các chợ tăng. Với các yếu tố tác động trên đã đẩy CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những nguyên nhân làm CPI tăng giá nêu trên, trong tháng 7 vẫn còn 3 nhóm chỉ số giá giảm, trong đó thuốc và dịch vụ y tế giảm tới 9,08%; giao thông giảm 0,47%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông và giáo dục có chỉ số giá ổn định. Các nhóm hàng này giảm, nguyên nhân chính là trong tháng 7 giá dầu có một đợt điều chỉnh giảm vào ngày 7-7, tính bình quân trong tháng thì chỉ số nhóm này vẫn giảm 0,47% so với tháng trước. Hơn nữa, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp. Theo đó, từ ngày 15-7-2018 giá một số dịch vụ y tế như giá dịch vụ khám bệnh, giá dịch vụ điều trị bệnh và giá các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm giảm, cụ thể giá dịch vụ khám, chữa bệnh ngoại trú giảm 14,98%, giá dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú giảm 6,21%. Cùng với đó, một số mặt hàng trái cây giảm do đang vào mùa vụ, số lượng nhiều, đa dạng.
Văn Thanh