Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ, ngay từ đầu năm, Chi cục Dân số -KHHGĐ đã tích cực triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại 65 xã, phường; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tập huấn cho 128 học viên về vai trò của người cao tuổi đối với chính sách DS-KHHGĐ địa phương. Ccùng với việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các biện pháp tránh thai miễn phí cho đối tượng ưu tiên, thời gian qua, ngành Dân số còn đẩy mạnh chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai (thuốc uống tránh thai, bao cao su) vào các ngày tiêm chủng, uống vitamin A tại Trạm Y tế các xã, phường. Tiếp tục duy trì có hiệu quả các mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước và sơ sinh, phòng ngừa tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở cơ sở luôn được duy trì hiệu quả.
Qua triển khai đồng bộ các giải pháp trong 6 tháng đầu năm nên một số chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ đạt kế hoạch đề ra. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 44.104 người, đạt gần 94,3% kế hoạch. Trong đó, các biện pháp tránh thai như: thuốc tiêm, bao cao su, thuốc uống tránh thai đều đạt trên 90% so với kế hoạch năm. Chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản và thực hiện KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết: Có được kết quả đó phải kể đến sự vào cuộc quyết tâm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác dân số trong tình hình mới. Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, ngay từ quý I, Chi cục Dân số-KHHGĐ tập trung tuyên truyền một số văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 137NQ/CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 1-2-2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…Trên cơ sở đó, trung tâm Dân số-KHHGĐ các địa phương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình của chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số-KHHGĐ. Đồng thời, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm việc kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động công tác dân số-KHHGĐ tại các huyện, thành phố; phân bổ kinh phí kịp thời triển khai hoạt động dân số-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; hỗ trợ thù lao đầy đủ, đúng quy định cho đội ngũ cộng tác viên dân số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số-KHHGĐ tỉnh ta vẫn tồn tại một số khó khăn như: ý thức của một bộ phận nhân dân về kế hoạch hóa gia đình, chất lượng dân số còn hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm đã có 709 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, đạt 16% (tăng 1,3% trẻ so với cùng kỳ năm 2017), còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2018, trong những tháng cuối năm, ngành Dân số tỉnh ta cũng đã đề ra một số định hướng cụ thể mang tính đột phá mới như: Tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Đảng về công tác dân số-KHHGĐ đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII). Từng bước tinh gọn mạng lưới cộng tác viên dân số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt công tác dân số. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các vấn đề đang đặt ra đối với công tác dân số, như mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vấn đề già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... nhằm hướng tới mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Mỹ Dung