Đưa chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống

(NTO) Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, miền núi, những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp cộng với sự nỗ lực vươn lên của người dân đã tạo nên diện mạo mới trong đời sống văn hóa-xã hội ở các vùng dân tộc, miền núi trong tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, điều dễ nhận thấy khi có dịp đến với các xã miền núi đó là cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học ngày càng được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập cho học sinh các cấp học ngay tại địa phương, giải quyết dứt điểm tình trạng trường lớp tạm bợ như trước đây. Chỉ tính trong giai đoạn 2010-2017, tổng nguồn vốn đầu tư đã đạt gần 660 tỷ đồng để xây dựng mới trên 1.300 phòng học và 55 nhà công vụ cho giáo viên; đồng thời nâng cấp, sửa chữa 119 công trình, hạng mục liên quan trường, lớp học. Nhờ đó, đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã có 100% số thôn có trường học hoặc điểm trường Mẫu giáo và Tiểu học; 100% số xã có trường THCS; đặc biệt, mạng lưới trường dân tộc nội trú (DTNT) và phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú được quan tâm đầu tư nâng cấp dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 4 trường DTNT (Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Phước) được xây dựng mới giai đoạn 2011-2015 và 15 trường hoạt động theo mô hình trường PTDT bán trú, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập và định hướng đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư xây dựng 3 trung tâm dạy nghề trên địa bàn 3 huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc nhằm tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho người dân trên địa bàn các xã nông thôn miền núi, góp phần nâng cao tay nghề, chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trường TH Hoài Trung, xã Phước Thái (Ninh Phước) được Nhà nước quan tâm
đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Cùng với chăm lo sự nghiệp giáo dục, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Trong giai đoạn 2011-2015, bằng nhiều nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, xổ số kiến thiết, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA... tỉnh đã bố trí gần 184 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới, hỗ trợ trang thiết bị cho 3 bệnh viện huyện và xây mới, nâng cấp, sửa chữa 12 trạm y tế xã. Đến nay, vùng dân tộc, miền núi có 7 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đóng trên địa bàn; 100% xã có trạm y tế, trong đó 24/37 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (chiếm 65%), 29/37 trạm y tế có bác sĩ làm việc (chiếm 78%); 100% thôn vùng đồng bào dân tộc Raglai có nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản. Với hệ thống các cơ sở khám và chữa bệnh nói trên cùng với bệnh viện Đa khoa tỉnh mới xây dựng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Trong những năm qua, hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch khu vực dân tộc, miền núi đã được quan tâm đầu tư. Đơn cử như từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đầu tư gần 90 tỷ đồng cho các dự án phát triển hạ tầng làng nghề Chung Mỹ, Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp; sửa chữa, nâng cấp, trùng tu các di tích văn hóa Tháp Poklong Garai, Tháp Porome, Tháp Hòa Lai... Việc Nhà nước quan tâm đầu tư các công trình văn hóa đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa tín ngưỡng đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và rèn luyện sức khỏe nhân dân trên địa bàn dân tộc, miền núi.

Khi các chính sách của Trung ương và của tỉnh được ban hành đi vào thực tiễn, cuộc sống vùng dân tộc, miền núi đã tạo động lực thúc đẩy phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo được sự hưởng ứng và đồng thuận cao trong Nhân dân. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để văn hóa-xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi trong tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả cao hơn trong thời gian tới.