Tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai

(Tiếp theo và Hết)

III. ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN

1. Một số nội dung tuyên truyền trọng tâm

a. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng; điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai

- Quan điểm của Đảng về phòng chống thiên tai thể hiện trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020; các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn … với tinh thần chủ đạo như văn kiện Đại hội XII đã nêu: “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

- Tại Hội nghị toàn quốc phòng, chống thiên tai ngày

29-3-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quán triệt quan điểm về việc xây dựng một xã hội “an toàn trước thiên tai”, trong đó nêu rõ: Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực, liên vùng, liên ngành, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống. Nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của các ngành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phòng chống thiên tai theo hình thức đối tác công-tư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu.Phải có tổ chức bộ máy, thể chế tốt hơn nữa cho công tác phòng chống thiên tai. Nâng cao năng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai.Hoàn thiện chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác này, thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho hợp tác công-tư. Truyền thông về phòng chống thiên tai phải được ưu tiên hàng đầu vì liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam…

b. Kết quả thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống thiên tai; các nội dung trong chiến lược, chương trình hành động, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai của Quốc hội, Chính phủ.

Những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh liên quan đến phòng, chống thiên tai bao gồm: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Đê điều năm 2006; Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão năm 2000, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2001. Luật Phòng chống thiên tai 2013, Luật Khí tượng Thủy văn 2015 và nhiều các bộ luật liên quan khác…

Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có: Nghị định số 08/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000; Nghị định số 50/NĐ-CP quy định về quy chế thành lập và hoạt động của quỹ phòng chống lụt bão của địa phương; Nghị định số 14/2000/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành và địa phương (thay thế cho Nghị định số 168/1990/NĐ-HĐBT); Nghị định số 04/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão; Nghị định số 113/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chương trình thực hiện nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Chính phủ, quyết định về quy chế, cơ chế, chính sách về công tác phòng, chống thiên tai, như Chương trình thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (ban hành theo Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16-11-2007) và các văn bản hoàn bổ sung tiếp theo…

Việt Nam tham gia như Nghị định thư Kyoto và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Khung hành động Hyogo về giảm nhẹ thiên tai, Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER)…

Hệ thống pháp luật trên đã hỗ trợ đắc lực trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.

c. Nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng, chống thiên tai

* Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới:

1. Kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể ban chỉ đạo, ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.

2. Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia và cấp tỉnh, huyện, xã.

3. Kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản bổ sung.

4. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình an toàn trước thiên tai, nghị định giám sát an toàn thiên tai; điều chỉnh, bổ sung các quy định về khắc phục tái thiết và tiếp nhận, phân bổ cứu trợ sau thiên tai.

5. Xây dựng chính sách xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác phòng chống thiên tai, cung cấp dịch vụ công, bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.

6. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai.

7. Xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia đảm bảo đáp ứng nhu cầu theo dõi, giám sát hoạt động xã hội, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, tình hình diễn biến thiên tai để tham mưu nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả.

8. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho văn phòng thường trực các cấp; bảo đảm kết nối trực tuyến từ cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương đến các tỉnh và công trình phòng, chống thiên tai quốc gia để chỉ đạo điều hành hiệu quả.

9. Hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập, sơ tán dân khẩn cấp bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2017.

10. Xây dựng chương trình tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực.

11. Huy động sự tham gia cả khu vực tư nhân trong phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh các hoạt động công trong phòng chống thiên tai.

12. Đẩy mạnh thành lập và hoạt động quỹ phòng, chống thiên tai.

13. Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai.

14. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

15. Tăng cường hợp tác quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai.

* Một số nhiệm vụ lâu dài:

1. Nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.

2. Giảm thiên tai về người, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi do lũ, lũ quét, sạt lở đất.

3. Nâng cao năng lực ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn vùng hạ du ở các lưu vực sông, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung.

4. Tăng cường năng lực ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trên biển, ven biển và trên đất liền.

5. Hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, trọng tâm là ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

6. Giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

7. Nâng cao mức bảo đảm, khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống thiên tai (đê điều, hồ đập, khu tránh trú bão…) tại các vùng miền, khu vực.

2. Một số lưu ý trong thông tin, tuyên truyền tình hình thiên tai, công tác cứu trợ, an sinh xã hội

- Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với truyền thông cơ sở kịp thời chuyển tải thông tin tới từng người dân để họ chủ động chuẩn bị, phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tin truyền thông trong việc đưa tin kịp thời về các hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng.

- Chú ý đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, thể hiện ở việc hàng năm phải kiểm tra, rà soát, điều chính, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng theo từng phương án hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong hợp tác với chính quyền trước yêu cầu ứng phó thiên tai.

- Phản ánh những vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung như quy chế phối hợp điều hành các lực lượng cùng tham gia ứng phó thiên tai; quy định về việc thành lập và cơ chế, chính sách, phương thức sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai; điều chỉnh quy trình hỗ trợ ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra; đặc biệt ở một số nội dung cần xử lý ngay như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hóa chất tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường sau bão, lũ, hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất...

Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương