Theo phân tích của Sở Công Thương, tình hình sản xuất ngành CN trong những tháng đầu năm có dấu hiệu tăng trưởng trở lại là nhờ một số sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực đã phát huy năng lực sản xuất. Trong đó, nhóm ngành CN khai khoáng có mức tăng trưởng cao nhất với 31,08%; tiếp đến là nhóm CN chế biến, chế tạo tăng 8,72%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 4,59% so với cùng kỳ. Riêng khai thác muối biển, nhờ thời tiết thuận lợi cho sản xuất nên sản lượng khai thác trong 4 tháng ước đạt 44,7 ngàn tấn, tăng 3,67 lần so với cùng kỳ.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận gia công hàng xuất khẩu. Ảnh: V.T
Những sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng khá cao trong những tháng đầu năm nay gồm: Thạch nha đam tăng 66,1%; nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 36,2%; quần áo may sẵn tăng 30,9%; khăn bông các loại tăng 21,7%; xi măng tăng 16,7%; tôm đông lạnh đạt trên 1.900 tấn, tăng 51,3%; sản xuất đường RS đạt 16,3 ngàn tấn, tăng 6%. Đặc biệt, khi dự án Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận (giai đoạn 2) hoàn thành đưa vào sản xuất, sản phẩm bia đóng lon của nhà máy đã phát huy tốt năng lực sau đầu tư, trong 4 tháng đầu năm công suất ước đạt 22,92 triệu lít, tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình triển khai dự án, từ đầu năm đến nay đã có thêm một số dự án như: Nhà máy Điện mặt trời Dự án BIM 1 của Tập đoàn BIM Group cùng đối tác AC Energy-Công ty thành viên mảng Năng lượng thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines); Nhà máy Điện mặt trời Bàu Ngứ của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành và Nhà máy Chế biến nước mắm Cana của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung đã được khởi công. Khi hoàn thành hứa hẹn tạo năng lực mới, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành.
Kết quả đạt được của ngành CN nội tỉnh trong 4 tháng đầu năm là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện cho thấy, từ chiều ngược lại vẫn còn nhiều sản phẩm gặp khó khăn. Cụ thể, đối với đá xây dựng do tình hình tiêu thụ các công trình giao thông còn hạn chế nên tác động giảm 24,7%; điện sản xuất giảm 16,7%; điện thương phẩm giảm 3,1%; đặc biệt, chế biến nhân hạt điều xuất khẩu, được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao ở những năm trước và có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành, nhưng do thiếu nguyên liệu và giá nguyên liệu cao nên giảm 17,1% so với cùng kỳ.
Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Kết quả trên dù chưa mang tính quyết định cho cả chặng đường dài phía trước, nhưng nếu không nhìn nhận đúng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng và làm giảm sức bật trong quá trình phát triển của ngành. Do vậy, giải pháp ưu tiên mà Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục vận động các DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy cao nhất năng lực các sản phẩm hiện có. Phối hợp hỗ trợ và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án năng lượng (điện gió, điện mặt trời). Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; xây dựng các cửa mở để DN tiếp xúc với thị trường chung của khu vực. Cách làm này không chỉ khuyến khích các DN phát huy tốt nội lực mà còn có điều kiện hợp tác, liên kết được với các DN trong, ngoài tỉnh để sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiềm năng CN phát triển. Phấn đấu đến cuối năm đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt khoảng 6.660 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 16%, chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 14% so với năm trước.
Văn Thanh