Anh Đạo Thanh Truyền, Trưởng Ban quản lý thôn Lương Tri đưa chúng tôi đến với cánh đồng Gộp ven bờ kênh Bắc. Hai chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota của nông dân trẻ Dương Tấn Quít đảm nhận dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con trong xóm. Máy gặt liên tục báo “tít tít” đẩy những bao lúa căng đầy xuống mặt ruộng. Ngừng tay cắt lúa sót ven bờ, anh Câu Hồng phấn khởi: Gia đình tôi canh tác 1,2 sào lúa chủ động tưới áp dụng biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm” theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Tôi gieo giống ML 48 xác nhận, chăm sóc chu đáo năng suất vụ này ước đạt trên 7 tạ/sào, tăng khoảng 50 kg/sào so với vụ đông-xuân năm trước. Thương lái thu mua 5.400 đồng/kg lúa tươi, quy ra lúa khô 5.900 đồng/kg. Trừ hết chi phí đầu tư, gia đình còn lãi trên 3 triệu đồng/sào. Đây là vụ lúa trúng mùa được giá cao nhất từ trước tới nay, giúp gia đình tôi có điều kiện vui đón Lễ Ramưwan 2018 và tái đầu tư sản xuất vụ lúa hè-thu sắp tới.
Nông dân làng Chăm Lương Tri thu hoạch lúa đông- xuân đạt năng suất trên 7 tấn/ha.
Đứng giữa cánh đồng đầy ắp hương thơm lúa mới, anh Đạo Thanh Truyền cho biết Lương Tri là khu dân cư duy nhất của huyện Ninh Sơn có đông đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi sinh sống. Toàn thôn hiện có 817 hộ, với 3.400 nhân khẩu chuyên nghề sản xuất nông nghiệp. Đời sống nông dân dựa vào nguồn thu nhập từ 300 ha đất canh tác đồng Chà Vum gieo trồng 1-2 vụ tưới bổ sung nguồn nước hồ Phước Trung và 90 ha ruộng ba vụ lúa chủ động tưới nguồn thủy lợi kênh Bắc. Vụ đông-xuân năm nay, nông dân canh tác 60 ha lúa đồng Chà Vum vừa thu hoạch xong, năng suất đạt 7,5- 8 tấn/ha. Lúa đầu vụ trúng giá được thương lái thu mua 6.000 đồng/kg, nông dân có lãi ròng trên 3,5 triệu đồng/sào. Các nông hộ Đạo Văn Sói, Hán Văn Giác, Hứa Văn Chàng áp dụng hiệu quả mô hình “1 phải, 5 giảm” canh tác lúa đạt năng suất cao, tăng thu nhập gia đình.
Trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng là thế mạnh kinh tế của nông dân thôn Lương Tri. Với số lượng đàn gia súc có sừng trên 3.200 con đã đưa Lương Tri chiếm vị thế “đầu bảng” trong nghề chăn nuôi ở xã Nhơn Sơn; đàn cừu có 1.500 con, đàn dê có 1.000 con và đàn bò có 700 con. Nhờ nguồn rơm rạ thu hoạch từ cánh đồng Chà Vum và đồng lúa ba vụ đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong những tháng cao điểm mùa khô năm nay. Từ nguồn vốn chống hạn, huyện Ninh Sơn cũng đã đầu tư kinh phí đào hai ao tại khu vực Chà Vum có dung tích 300 m3 nước/ao. Các ao chứa còn đầy nước bảo đảm nước uống cho đàn gia súc. Nhờ chuẩn bị chu đáo nguồn thức ăn, nước uống nên nông dân Lương Tri chấm dứt tình trạng đưa đàn gia súc có sừng “chạy hạn” như những năm trước. Các nông hộ Hứa Văn Hiến, Đạo Bùi, Đạo Văn Lãnh… có đàn cừu từ 100- 300 con nêu gương sản xuất giỏi, đời sống gia đình khá giả, nuôi con học hành thành đạt.
Đến thăm lão nông Hứa Tấn Biểu, chúng tôi gặp ông đang đổ lúa ra phơi trước sân nhà. Người nông dân trọn một đời gắn bó với đồng ruộng Lương Tri, cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi nên ít sâu bệnh hại, bà con áp dụng quy trình thâm canh nên cây lúa đồng Chà Vum và đồng ba vụ đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Gia đình tôi vừa gặt xong hai sào ruộng trên đồng ba vụ canh tác theo quy trình “1 phải, 5 giảm” đạt trên 7 tạ/sào. Tôi thuê máy cuốn được 60 cục rơm chở về dự trữ làm thức ăn cho 4 con bò đực nuôi vỗ béo. Lễ Ramưwan năm nay gặp dịp thu hoạch lúa trúng mùa nên bà con tổ chức đón lễ đầm ấm, vui tươi.
Sư cả Đạo Bùi cho biết: Năm nay mùa màng làm ăn thắng lợi nên bà con phấn khởi mừng Ramưwan diễn ra từ ngày 14 đến 16- 5- 2018. Cấp ủy chi bộ và Ban Quản lý thôn phối hợp với Ban phong tục tổ chức lễ Ramưwan trong không khí vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh. Động viên bà con thôn xóm đoàn kết phát triển sản xuất, chung tay nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sơn Ngọc