Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7-2018 đã tăng thêm 90 xu Mỹ lên khép phiên ở mức 74,69 USD/ounce. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến thêm 47 xu và đóng phiên ở mức 68,57 USD/ounce.
Hồi đầu phiên, cả hai loại dầu trên đều giảm khoảng 1%. Nhưng rồi hai loại dầu chủ chốt này đã quay đầu tăng sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ông có bằng chứng về việc Iran đang “lừa dối” về chương trình vũ khí hạt nhân của mình sau khi nước này đã ký thỏa thoả thuận hạt nhân mang tính lịch sử với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) vào năm 2015.
Giá dầu thế giới trong tháng Tư đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Ngay sau đó trong cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã lên tiếng rằng những cáo buộc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với Iran nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến quyết định sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo nhà phân tích cấp cao Walter Zimmerman của công ty United-ICAP, tuy những phát ngôn của Thủ tướng Netanyahu là yếu tố chính thúc đẩy giá dầu trong phiên này, song yếu tố tác động lớn nhất tới giá dầu thế giới chính là câu hỏi Tổng thống Trump sẽ làm gì với Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump còn thời gian từ bây giờ đến ngày 12-5 để quyết định liệu có nối lại những lệnh cấm vận áp đặt lên Iran hay không. Những lệnh cấm vận này đã được gỡ bỏ kể từ sau thỏa thuận hạt nhân được ký kết.
Giá dầu thế giới trong tháng Tư đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 do những lo ngại về sự gián đoạn có thể xảy ra với nguồn cung dầu từ Iran. Giới phân tích cho biết thị trường năng lượng đặc biệt nhạy cảm với bất cứ diễn biến nào liên quan đến thỏa thuận hạt nhân và lệnh cấm vận áp lên quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, số liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cũng ngày 30/4 cho thấy sản lượng dầu thô của nước này đã tăng 260.000 thùng/ngày lên mức 10,26 triệu thùng/ngày trong tháng Hai và đạt mức kỷ lục mới.
Theo TTXVN