1. Liên hợp quốc kêu gọi đàm phán chính trị chấm dứt xung đột ở Syria. Các bên cần tiến hành các cuộc đàm phán chính trị nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua tại Syria bởi những chiến thắng mới nhất trên thực địa của chính phủ Syria và lực lượng đồng minh vẫn không mang lại nền hòa bình cho nước này. Đó là lời kêu gọi của Đặc phái viên LHQ về Syria, Staffan de Mistura đưa ra ngày 24-4 tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Syria do Liên minh châu Âu (EU) chủ trì tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, ông Mistura cho biết trong vài tuần qua, những thành quả và mục tiêu mà quân đội Syria giành được, cũng như sự leo thang quân sự tại Syria không mang lại giải pháp chính trị và cũng không mang lại bất kỳ sự thay đổi nào cho đất nước này.
Ngoài ra, ông Staffan de Mistura còn kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm hoạt nhân đạo tại khu vực Idlib hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập Syria. Ông Mistura cảnh báo Idlib có nguy cơ “chịu chung số phận” với Aleppo hay Đông Ghouta về vấn đề nhân đạo. Ông cho rằng Idlib là một thách thức lớn về khía cạnh nhân đạo bởi nơi đây có 2,5 triệu người sinh sống.
2. Nga khẳng định không có lựa chọn thay thế cho thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngày 25-4, Nga tuyên bố không có “lựa chọn thay thế” nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran hiện tại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi một thỏa thuận mới với Tehran.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng không có lựa chọn thay thế nào tồn tại cho đến thời điểm này”, đồng thời cho biết lập trường của Tehran về vấn đề này có ý nghĩa lớn nhất. Moskva ủng hộ việc giữ nguyên thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đồng thời bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của việc lặp lại thành công như vậy trong tình hình hiện nay.
Trước đó, trong bối cảnh hạn chót 12-5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra với các nước châu Âu để bổ sung những điều khoản mới cho JCPOA đang đến gần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lãnh đạo Mỹ-Pháp đã thảo luận về một “thỏa thuận mới” củng cố hơn nữa JCPOA và phù hợp với mong muốn của ông Trump. Theo đề xuất của ông Macron, Mỹ và châu Âu sẽ chặn bất kỳ hoạt động hạt nhân nào của Iran cho đến năm 2025, cũng như giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và tạo ra điều kiện phù hợp cho giải pháp chính trị nhằm ngăn ảnh hưởng của Tehran tại Yemen, Syria, Iraq và Liban. Trong khi đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay vẫn “đang hoạt động” và cần được bảo toàn.
3. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn “viết chương mới trong quan hệ hai nước”. Sau các nghi lễ mang tính biểu tượng tại đường ranh giới phân định hai miền Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử.
Phát biểu về cuộc gặp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nêu rõ kỳ vọng của Bình Nhưỡng tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 là rất lớn và “chúng tôi đã rút ra được bài học từ những cuộc gặp thượng đỉnh trước đó, rằng ngay cả khi đã đạt được những thỏa thuận tốt đẹp, nhưng không thể thực thi, chúng ta sẽ khiến người dân cảm thấy thấy vọng”. Ông Kim Jong-un nhấn mạnh hy vọng những thiện chí giữa hai bên trong 11 năm qua “sẽ không bị lãng phí”, đồng thời bày tỏ mong muốn “viết nên một chương mới trong quan hệ hai nước. Tôi tin tưởng chúng tôi có thể đạt được một sự khởi đầu mới và đó chính là cam kết tôi mang đến cho hội nghị hôm nay”.
Trong cuộc gặp này, hai bên theo chương trình nghị sự sẽ bàn thảo các vấn đề rất quan trọng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi Triều Tiên thực hiện việc này; cải thiện quan hệ song phương, giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, vấn đề các gia đình ly tán, thúc đẩy các dự án hợp tác, ngoại giao nhân dân và các vấn đề có liên quan khác.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết nhiều thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh lần này.
CĐ