Ông Dan Mahaffee (Đan Ma-ha-phi), quan chức cấp cao phụ trách chính sách thuộc Trung tâm Nghiên cứu tổng thống và quốc hội Mỹ, cho rằng đà thúc đẩy mà lãnh đạo Hàn-Triều đã tạo dựng thông qua Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 đã làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và dẫn đến cuộc đối thoại thượng đỉnh này. Ông nhấn mạnh các nỗ lực tiếp tục giảm căng thẳng và đảo chiều căng thẳng liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là cần thiết để cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra thành công.
Trong khi đó, chuyên gia chính trị cấp cao Michael J.Mazarr (Mai-cơn Ma-da) thuộc tập đoàn U.S. RAND cho rằng yếu tố hàng đầu khiến cuộc gặp liên Triều trở nên khả thi là nhà lãnh đạo Kim Jong-un "rõ ràng mong muốn cải thiện quan hệ với khu vực và có thể cả với Mỹ, do đó cũng như với Hàn Quốc". Tuy nhiên, ông Mazarr dự đoán việc các nước gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên không làm thay đổi những điều cơ bản trong chiến lược của Bình Nhưỡng.
Theo ông Troy Stangarone (Troi Xtan-ga-rôn), Giám đốc cấp cao Viện Kinh tế Hàn Quốc - viện nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận đặt tại Washington, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới là sự khởi đầu một tiến trình chứ không giải quyết các vấn đề. Ông cho rằng các lĩnh vực cấp bách nhất mà hai miền Triều Tiên phải bắt đầu thảo luận là phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Chung quan điểm trên, Phó Giáo sư Yi Ki Ho (I Ki Hô) tại Đại học Hanshin ở Seoul bình luận nhiệm vụ của Tổng thống Moon Jae-in là đặt nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, do đó điều quan trọng là cam kết của Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa sẽ được xác nhận rõ ràng tại cuộc gặp liên Triều. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Yi Ki Ho nhận định mặc dù vấn đề hạt nhân sẽ là trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều, song thảo luận khó có thể đi sâu chi tiết bởi vấn đề này có thể làm gia tăng bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Chuyên gia phân tích Hong Min (Hông Min) tại Viện Nghiên cứu các vấn đề liên quan tái thống nhất hai miền của Hàn Quốc nhận định, dưới sức ép của các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh tay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ đưa ra một cam kết rõ ràng về phi hạt nhân hóa, ví dụ khung thời gian để các thanh sát viên của Liên hợp quốc thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình trước khi đưa ra những kế hoạch cụ thể tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài vấn đề kho vũ khí của Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có thể thảo luận về một hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt tình trạng xung đột giữa hai miền. Phó Giáo sư Yi Ki Ho nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thảo luận được lên kế hoạch về việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Chuyên gia Yi Ki Ho bình luận, nếu Hàn Quốc và Triều Tiên có thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh, điều này có ý nghĩa lịch sử bởi nó sẽ dẫn đến sự chấm dứt tình trạng Chiến tranh Lạnh ở khu vực châu Á. Ông đồng thời cho rằng việc xây dựng lòng tin giữa hai miền cũng được coi là sẽ giúp thúc đẩy quá trình thúc đẩy Bình Nhưỡng tiến tới phi hạt nhân hóa.
Theo TTXVN