Huyền thoại Đoàn Vận tải H.50

(NTO) Phiên hiệu Đoàn Vận tải H.50, đơn vị Anh hùng LLVT đã trở thành huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến công hào hùng và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Vận tải H.50 phục vụ chiến đấu trên trường Khu 6 kiên trung đã góp phần quan trọng làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ về đồng đội H.50

Giữa những ngày toàn tỉnh chuẩn bị kỷ niệm 43 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, chúng tôi đến thăm anh Văn Công An, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Tỉnh ủy. Sau khi nghỉ hưu, anh tiếp tục tham gia công tác từ thiện xã hội với chức danh Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh. Tuy đã bước qua lớp tuổi của những người “xưa nay hiếm” nhưng anh vẫn canh cánh nặng lòng thương nhớ về đồng đội Đoàn Vận tải H.50. Anh Văn Công An là tác giả của các tác phẩm “H.50 ngày ấy” do Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận xuất bản tháng 4-2010 và “H.50 theo dòng trường ca” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 12-2013. Các tác phẩm của anh viết về Đoàn Vận tải H.50 là những khúc tráng ca về tinh thần chiến đấu gian khổ hy sinh và thấm đẫm tình yêu thương đồng đội. Anh cũng đã nghiên cứu thiết kế và vận động các nhà tài trợ thi công hoàn thành cụm tượng, phù điêu chất liệu đá ga- nít tái hiện sinh động lịch sử vận tải vũ khí và tinh thần chiến đấu anh dũng của Đoàn Vận tải H.50 trên chiến trường Khu 6. Cụm tượng, phù điêu được trưng bày tại Nhà bia ghi danh anh hùng, liệt sĩ Đoàn Vận tải H.50 thuộc địa bàn xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Ông Văn Công An (bên phải) thăm hỏi đồng đội Đoàn vận tải H.50 sinh sống tại huyện Bác Ái.

Anh Văn Công An, nguyên Trợ lý chính trị Đoàn Vận tải H.50, cho biết Đoàn đảm nhận nhiệm vụ vận tải vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường Khu 6 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được thành lập vào tháng 4-1967. Đoàn tiếp nhận vũ khí, khí tài do Trung ương chi viện chuyển đến chiến trường các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức. Những trái đạn ĐKZ, hỏa tiễn H.12, tên lửa DKB, sơn pháo 75 ly của chiến sĩ giải phóng quân tiêu diệt đồn địch đều qua đôi vai vận tải “thần kỳ” của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Vận tải H.50, từ biên giới Việt Nam- Campuchia về đến chiến trường Khu 6 với chiều dài khoảng 350 cây số. Do yêu cầu nhiệm vụ chính trị vào những năm 1970-1972, Đoàn Vận tải H.50 quân số lên đến 1.000 người, chủ yếu là nữ chiến sĩ 18-20 tuổi đầy sức trẻ, giàu lòng nhiệt thành cách mạng. Anh chị em động viên nhau khắc phục khó khăn, sẵn sàng hy sinh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Chiến công huyền thoại

Đoàn Vận tải H.50 được biên chế 8 đại đội tham gia vận tải vũ khí, thiết bị y tế, lương thực lưu trữ tại 61 khu kho, với khoảng 200 kho hàng. Cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên tuyến đường sông sâu, vực thẳm nhiều hiểm nguy. Đoàn quân vận tải động viên nhau mang hàng vượt qua mưa bom B.52, bão đạn của quân thù bắn phá suốt ngày đêm. Ít ai có thể tin rằng chiến sĩ nữ Đoàn H.50 đã mang trên đôi vai hàng chục ngàn tấn vũ khí, thuốc men, đi bộ vượt qua đèo cao, núi thẳm, sông sâu đưa hàng đến nơi an toàn phục vụ chiến đấu cho chiến trường Khu 6. Trong suốt tám năm ròng rã chiến đấu, các dũng sĩ vận tải đã mang trên vai hàng chục tấn hàng vượt quảng đường dài gần 40 ngàn cây số, hơn 10 lần chiều dài đất nước. Toàn đơn vị đã có gần 130 người anh dũng nằm lại khắp nẻo chiến trường cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do vào ngày 30- 4-1975.

Lịch sử đi qua gần nửa thế kỷ, người Trợ lý chính trị Đoàn Vận tải H.50 vẫn nhớ như in những kỷ niệm sâu sắc về nghĩa tình đồng đội và những tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng. Mái tóc xanh thời thanh xuân của người Trợ lý chính trị Đoàn Vận tải H.50 bây giờ đã trắng màu mây, anh sôi nổi kể những câu chuyện làm xúc động lòng người về tinh thần chiến đấu không quản ngại hy sinh của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Theo đó, khoảng cuối tháng 3- 1970, kho hàng Bù Na nằm ở sườn núi bên bờ sông Đak Quýt thuộc tỉnh Bình Phước bị quân địch đặt mìn tiêu hủy. Tổ bảo vệ thăm kho hàng thấy dây cháy chậm đang bốc khói, anh Đặng Đình Bông dũng cảm lao đến chặn ngòi nổ và khẩn trương di chuyển hàng đến nơi cất giữ an toàn. Hoặc như chị Nguyễn Thị Thiêm được đồng đội đặt cho tên gọi thân thương “Người cõng lửa trên lưng”. Trên đường hành quân qua khu vực Bù Du, đơn vị vận tải Đại đội 5 bị B52 đánh bom. Bồng hàng vũ khí trên lưng chị Thiêm bị lửa bốc cháy. Chị đã dũng cảm mang cả khối lửa chạy tách ra khỏi đội hình để bảo vệ tính mạng cho nhiều người. Chị nghĩ thà chết một mình không để đồng đội hy sinh. Nhưng chị đâu biết lúc ấy có nhiều đồng đội chạy theo chị dùng nón, khăn để dập tắt ngọn lửa hiểm nguy. Chị Ung Thị Hà, chiến sĩ vận tải Đại đội 4, vóc người nhỏ nhắn đã mang trên lưng khối thép nặng 50 kg bằng trọng lượng cơ thể mình. Chị Hà mang tải vũ khí đi ròng rã suốt 324 ngày/năm, tương đương quãng đường dài 12.000 cây số với thành tích đạt danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng 12 lần/năm...

Chuyện tình bất hủ H.50

Cựu chiến sĩ Đoàn Vận tải H.50 bên cụm tượng tái hiện lịch sử anh hùng của Đoàn Vận tải H.50.

Anh Văn Công An kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện tình của người giải phóng quân đẹp tựa bài thơ bất hủ. Chuyện bức thư tình được viết trên đầu đạn B.40 là một trường hợp rất lạ trong lịch sử tình yêu của nhân loại. Cuối năm 1972, đơn vị H.50 nhận lệnh vận tải hàng vào chiến trường. Chị Lê Thị Nguyên được phân công mang đạn B.40 đưa về nơi tập kết chuẩn bị ngày mai lên đường. Đêm ấy, chị thao thức vừa lo, vừa mừng. Lo vì hàng mang nặng trên vai liệu có đưa tới được mặt trận tiền phương phục vụ chiến đấu. Mừng vì có dịp hành quân trở lại đồng bằng hy vọng được gặp lại người quen, được nhận tin gia đình, người yêu. Trước khi từ Đoàn Vận tải H.50 trở về chiến trường, anh Nguyễn Phương ngỏ lời yêu nhưng chị Nguyên chưa trả lời. Chia tay cả năm trời, mỗi người lo công tác giữa chiến trường Khu 6 rộng lớn nên chưa có dịp gặp nhau. Đêm ấy, dưới ánh đèn dầu tù mù, chị Nguyên làm một việc theo lời mách bảo của con tim. Chị dùng chiếc kẹp tóc nắn nón viết lên đầu đạn B.40 dòng chữ: “Nguyên được kết nạp Đảng. Gởi anh quả đạn này. Chúc anh sức khỏe. Hẹn ngày chiến thắng”. Dòng chữ cuối cùng, chị viết tên hai người lồng vào nhau “Phương Nguyên”. Điều kỳ diệu là người xạ thủ B.40 tên Phương chiến đấu giữa chiến trường khu 6 nhận được chính quả đạn chị Nguyên viết thư lên đó. Trong một lá thư gởi cho chị Nguyên, anh Phương có hỏi: Có phải Nguyên là người nhắn tin cho Phương trên quả đạn B.40 không? Nếu không phải cho Phương xin lỗi. Từ ấy, chị Nguyên và anh Phương thật sự yêu nhau. Ước mong ngày hòa bình làm lễ cưới nhưng anh Phương hy sinh tại chiến trường Đà Lạt. Và chị Nguyên nằm lại chốt chặn 142 trên đường 20 sau ngày ký kết hiệp định Paris. Đồng đội tiếc thương người con gái miệt vườn Đại Nẫm xinh đẹp, sống hết lòng với đồng đội. Khi bị thương đưa về trạm phẫu thuật tiền phương, chị Nguyên còn nói: Em không sống được đâu, các anh hãy dành thuốc men cho thương binh!. Chị nhờ bạn bè chải lại mái tóc rồi thanh thản ra đi giữa tuổi thanh xuân trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng đội.

Truyền thống anh hùng

Tác giả bài viết này có những lần đi cùng anh Văn Công An đến thăm hỏi, động viên đồng đội Đoàn Vận tải H. 50 đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Vợ chồng anh Nguyễn Thành Nhiên nguyên Chánh Thanh tra tỉnh và chị Võ Thị Minh Túc đều là Dũng sĩ Quyết thắng của Đoàn H.50. Anh Nhiên từng là Chính trị viên Đại đội 3, vừa lãnh đạo đơn vị vừa mang hàng và chỉ huy chiến đấu trên đường vận tải. Hoặc như chị Nguyễn Thị Ánh là y tá Đại đội 8 hiện nay nghỉ hưu tại xã An Hải (Ninh Phước). Chị Ánh kể sau lưng là vũ khí, trước ngực là túi thuốc cứu thương cùng đồng đội hành quân mang tải vũ khí trên chiến trường Khu 6. Đường hành quân hiểm nguy, gian khổ nhưng khi dừng chân, chị em vẫn vui sống lạc quan, luyện tập văn nghệ, núi rừng rộn rã tiếng cười con gái Đoàn Vận tải H.50. Nhớ hôm đến thăm chị Patâu Axá Thị Lính ở thôn Ma Ty, xã Phước Thắng. Chị Lính thuộc Đại đội 6 có đông chiến sĩ dân tộc Raglai ở vùng chiến khu Anh Dũng, Bác Ái. Các anh chị mang hàng bền bỉ vượt hàng trăm cây số đường trơn, núi đá cheo leo đưa vũ khí đến khắp chiến trường. Anh Văn Công An nói: Chiến sĩ Đại đội 6 là đơn vị mang hàng khỏe nhất của Đoàn Vận tải H.50. Anh hùng LLVT Tà Bô Cương quê ở xã Ma Nới luôn đi đầu trong đơn vị hành quân. Anh có tài bắn súng thiện xạ và có khả năng cắt rừng mở đường rất giỏi. Tà Bô Cương lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, anh hy sinh giữa năm 1974 tại đường 20, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 12- 1999, Tà Bô Cương được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh Văn Công An cho biết thêm: Với những thành tích đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Vận tải H.50, tháng 12- 1999, đơn vị vinh sự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tất cả cán bộ, chiến sĩ Đoàn Vận tải H.50 đều được Nhà nước giải quyết chế độ, chính sách bảo đảm cuộc sống ổn định. Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng, cán bộ và chiến sĩ Đoàn Vận tải H.50 đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.