Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) và nhiễm Rubella bẩm sinh ở trẻ khi sinh ra. Hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... và nhiều trường hợp mắc đa dị tật.
Việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ sẽ góp phần giảm gánh nặng bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh, góp phần rất quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi cùng với bệnh Rubella trong tương lai.
Sởi, Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp.
Mọi người chưa bị mắc bệnh sởi, rubella hoặc chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, rubella đầy đủ đều có thể bị mắc bệnh.
Bệnh sởi, rubella rất dễ lây lan vì vậy có thể tạo thành các ổ dịch tại các lớp học, cộng đồng hoặc trong bệnh viện khi có một trường hợp mắc bệnh. Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi; người bệnh có thể sưng hạch ở cổ, sau tai hoặc sưng đau khớp… Ngoài ra còn có các biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi nặng, viêm não, mù lòa, có thể dẫn đến tử vong.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ cho trẻ, với tính an toàn và khả năng miễn dịch, phòng bệnh tốt. Tháng 4-2018 Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin vắc xin phối hợp sởi - rubella được sử dụng trên quy mô toàn quốc, giúp ngành Y tế Việt Nam chủ động nguồn vắc xin, góp phần loại trừ bệnh sởi, rubella.
Bệnh sởi, rubella cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vắc xin sởi, rubella là biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất. Vì lợi ích của công tác tiêm chủng phòng bệnh sởi và rubella, việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh càng cao.
BS Trần Xuân Phương