Phước Vinh: Phát triển trồng cây bắp lai theo mô hình “liên kết” bền vững

(NTO) Xã Phước Vinh (Ninh Phước) có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hằng năm khoảng 1.500 ha, thích hợp cho phát triển các loại cây trồng như: lúa, táo, bắp... Để giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, những năm qua, xã Phước Vinh đã vận động nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây bắp lai giống và bắp lai thương phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện mô hình “liên kết” với các doanh nghiệp trong sản xuất, nhờ đó nông dân không chỉ tiếp cận được kỹ thuật trồng và chăm sóc mới, mà sản phẩm bắp sau khi thu hoạch còn được bao tiêu thu mua toàn bộ, góp phần tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Cây bắp lai rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, nên cho năng suất khá cao. Bình quân hằng năm nông dân trong xã chuyển sang trồng loại cây này với diện tích khoảng 800 ha, trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Để đảm bảo đầu ra ổn định, xã đã liên kết với các doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm cho người dân. Chỉ tính riêng trong vụ đông-xuân năm 2016-2017, toàn xã có 350 ha bắp lai giống được các doanh nghiệp: Công ty TNHH Sản xuất hạt giống CP Việt Nam, Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố và Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố, Công ty Giống cây trồng Miền Nam ký kết bao tiêu với nông dân; năng suất tăng khoảng 30-40% (bình quân đạt từ 7-8 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt hơn 9 tấn/ha). Sau khi thu hoạch, các doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con, với giá dao động từ 8.200 -9.200 đồng/kg (cân nguyên trái), trong khi đó bắp thương phẩm giá chỉ 5.000 đồng/kg. So với giống bắp cũ, nông dân thu lãi khoảng 40-50 triệu đồng/ha/vụ.

 
Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng bắp lai giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TM

Để đảm bảo lợi ích cho các bên, xã Phước Vinh đã chỉ đạo các hợp tác xã đứng ra điều phối, đại diện quyền lợi của nông dân, quản lý hợp đồng đã ký kết. Phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cam kết bán hết sản phẩm cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Thu, thôn Phước An 1, phấn khởi: Tham gia sản xuất theo mô hình “liên kết” này nông dân được nhiều cái lợi trong quá trình sản xuất như được cung ứng giống, phân bón… Ngoài ra, doanh nghiệp còn cử cán bộ xuống tận đồng ruộng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vì vậy bà con rất yên tâm. Vụ đông-xuân vừa qua, gia đình tôi đầu tư trồng gần 1 ha bắp lai giống, năng suất đạt trên 9 tấn/ha, thu lãi được 50 triệu đồng.

Để phát triển cây bắp lai thành cây trồng chủ lực của địa phương, theo ông Nguyễn Đăng Khoa, trong thời gian tới, xã Phước Vinh tiếp tục vận đồng bà con chuyển đổi diện tích trồng bắp lai thương phẩm sang trồng bắp lai giống với diện tích khoảng 450 ha. Đồng thời, vận động bà con ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, từ đó hình thành vùng chuyên canh cây bắp lai giống mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Đây là hướng đi phù hợp, mang tính ổn định và bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.